Giáo dục

Thanh Hóa: Vùng cao xứ Thanh cần lắm những điểm trường kiên cố

Lớp học được làm bởi những cây tre, thanh nứa và lá cọ thành một nơi tránh nắng, tránh mưa, những bộ bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp hay chiếc cầu bập bênh đơn sơ bằng cây tre… Đó là cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường lẻ ở vùng cao xứ Thanh.

Điểm trường tiểu học Xuân Thắng huyện Thường Xuân.

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu, thế nhưng thầy cô và trò ở nhiều điểm trường lẻ mầm non, tiểu học của huyện Lang Chánh, Quan Sơn, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đang phải học tập và làm việc trong những điểm trường tềnh toàng, ọp ẹp được người dân dựng lên bằng những cây tre, thanh nứa và lá cọ.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, hiện nay toàn huyện có 54 điểm trường lẻ với 12 phòng học tạm và thiếu 117 phòng học. Về cơ sở vật chất đối với mầm non mới đáp ứng được hơn 50%, các công trình còn thiếu như khối phòng học, khối phòng hành chính quản trị, nhà bếp, nhà vệ sinh... Ngoài ra, một số trường mầm non phải cho trẻ học trong các phòng tạm, phòng tranh tre. Thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh, đồ chơi trẻ em hiện nay mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu, điển hình như: điểm trường bản Vịn thuộc khu lẻ trường tiểu học Yên Thắng I; khu Cơn (thuộc trường tiểu học Yên Thắng II); xã Tam Văn có 2 khu điểm lẻ là bản Lót và Phá.

Tại huyện Quan Sơn, mầm non có 96 phòng tranh tre tạm bợ, tiểu học có 8 phòng tranh tre và gần 40 phòng học cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng… Vẫn còn 80 điểm trường lẻ, trong đó bậc học mầm non còn 41 điểm trường, bậc tiểu học còn 38 điểm trường.

Được biết, vào năm học mới tại nhiều xã, nhà trường đã có kế hoạch tu bổ cơ sở vật chất, bổ sung thêm trang thiết bị cho các điểm lẻ. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế ở đây còn gặp nhiều khó khăn nên chủ yếu là thầy cô và trò chỉ tự sửa sang lại bàn ghế, quét dọn phát quang bụi rậm.

Dưới đây là một số hình ảnh về nhiều điểm trường lẻ tạm bợ ở vùng cao xứ Thanh:

Một lớp học khu Lót xã Tam Văn, huyện Lang Chánh

Lớp học tềnh toàng, có thể nhìn thấy được mặt trời.

Những tấm vách bằng ván không còn được nguyên vẹn.

Thầy, cô và trò đang sửa lại những bộ bàn ghế ọp ẹp.

Chiếc cầu bập bênh đơn sơ được làm bằng những cây luông.

Những chiếc xích đu bằng dây thừng và tre.

Tác giả: Trần Cường

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok