Trong tỉnh

Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó

Nỗi đau, hậu quả do các vụ tai nạn giao thông (TNGT) để lại rất khủng khiếp và lâu dài. Nó khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương và khó khăn chồng chất. Thực tế này đòi hỏi mỗi người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm pháp luật giao thông vì sự an toàn của chính mình và người khác.

Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh trao quà hỗ trợ cho gia đình bà Hoàng Thị Huấn, ở thôn Vụ Bản 1, xã Xuân Dương (Thường Xuân) có con trai bị tai nạn giao thông.

TNGT được xem là một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả của nó rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn dễ dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật bởi có tới 70% số vụ, số người tử vong là đối tượng thanh niên, trụ cột trong gia đình. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu TNGT, đưa trật tự an toàn giao thông (ATGT) vào nền nếp.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều văn bản, nghị quyết chuyên đề, lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, từ đó có tác dụng giáo dục, răn đe đối với người vi phạm giao thông, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ... Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh, từ ngày 16-11-2016 đến ngày 15-11-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 161 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm chết 167 người, bị thương 85 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 6 vụ, 12 người chết, 5 người bị thương. Trong đó tai nạn đường bộ là 152 vụ, 158 người chết, 85 người bị thương; tai nạn đường sắt xảy ra 9 vụ, chết 9 người.

TNGT dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn còn đó với người ở lại. Đằng sau mỗi vụ TNGT là cảnh ngộ thương tâm của những gia đình nạn nhân mà không gì có thể xóa tan và bù đắp được. Đối với những người thân của các nạn nhân tử vong vì TNGT, cuộc sống của họ vẫn luôn thường trực nỗi ám ảnh không chỉ bởi đau thương, mất mát mà còn là cảm giác ghê sợ khi luôn phải đối diện với ký ức kinh hoàng. Hơn 5 tháng trôi qua, chị Nguyễn Thị Xoan, ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) vẫn không kìm nén được cảm xúc khi nhắc đến chồng, anh Nguyễn Văn Mạnh, đã ra đi mãi mãi sau 1 vụ TNGT. Đêm ngày 1-6-2017, trên đường từ quê vợ về đến xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, anh Mạnh đã điều khiển xe máy bất cẩn lao xuống sông. Anh ra đi để lại người vợ bệnh tật liên miên cùng đứa con thơ...

Sau nhiều ngày được cấp cứu và điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, đến nay, anh Cao Đại Thơ 28 tuổi, ở xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, di chứng do TNGT để lại hết sức nặng nề. Vào đêm ngày 23-10-2017, trên đường từ huyện Tĩnh Gia về nhà, đến huyện Quảng Xương, anh Thơ không làm chủ được tay lái đã đâm thẳng vào sau 1 chiếc ô tô đậu ven đường khiến bản thân bị thương nặng và được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, đặc biệt bị chấn thương sọ não nghiêm trọng, tụ máu não. Do được đưa vào cấp cứu kịp thời, nên anh Thơ vẫn giữ được tính mạng, thế nhưng, khả năng hồi phục hoàn toàn là không thể. Từ một trụ cột trong gia đình, từ nay và có thể mãi về sau, anh Thơ sẽ thành gánh nặng cho chính gia đình mình.

Vốn dĩ là một thanh niên khỏe mạnh, tương lai đang rộng mở lại sắp lập gia đình, sau buổi đi đám cưới một người bạn cách đây 5 năm, trên đường về, anh Nguyễn Trọng Long, sinh năm 1988, ở phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) điều khiển xe máy va chạm với một xe máy khác dẫn đến TNGT. Đã 5 năm nay, mặc dù được gia đình đưa đi khắp nơi điều trị, tốn kém tiền bạc, thế nhưng, anh Long vẫn chưa thể hồi phục. Từ một chàng thanh niên, đến nay từ nhận thức lẫn hành động của Long chỉ tương đương với 1 đứa trẻ lên 3. Đau xót hơn, bố mẹ của anh Long, ở cái tuổi lẽ ra phải được sự chăm sóc phụng dưỡng của con cháu thì giờ lại phải dốc toàn bộ sức lực để chăm sóc, phục vụ đứa con bệnh tật trong tình cảnh gia đình kiệt quệ. Nợ cũ, nợ mới chồng chất, chưa kể hàng tháng số tiền điều trị của anh Long cũng tốn ít nhất 4 triệu đồng. Lương hưu của cả 2 ông bà không đủ, họ phải làm thêm để trang trải nợ nần và chi phí thuốc thang cho con.

Trên đây chỉ là ba trong số hàng nghìn trường hợp đang phải chịu nỗi đau mà TNGT gây nên. Những người may mắn thì bình phục, khỏe mạnh có thể lao động, sinh hoạt bình thường trở lại nhưng có những người đã ra đi mãi mãi hoặc phải mang thương tật suốt đời. Nỗi đau đó vẫn đang xảy ra từng ngày, đột ngột và luôn ám ảnh trong suy nghĩ của mỗi người.

Và những khẩu hiệu: “Phía trước tay lái là sự sống”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “Nói không với rượu, bia trước khi lái xe”, “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy”, “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”... chính là những lời cảnh báo, kêu gọi mọi người hãy chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông khi tham gia giao thông.

Thiếu tá Lê Đức Thắng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh, cho biết: Vẫn biết TNGT là điều không ai muốn xảy ra, tuy nhiên một khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông chưa được nâng lên thì khi đó hiểm họa TNGT vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội mà trong đó, gia đình, người thân của nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu. Chính bởi vậy, mỗi người phải nhận thức được điều này, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATGT, biết kiềm chế bản thân khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Tác giả: Quốc Hương

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok