Các hộ nghèo huyện Như Xuân nhận chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 (Ảnh: Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Như Xuân). |
Ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, dựa trên văn bản hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, lên danh sách các hộ được nhận hỗ trợ thuộc 4 nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội và các nhóm đối tượng khác (lao động tự do bị mất việc) bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Để đảm bảo chi đúng đối tượng, tránh trùng lặp, bỏ sót, theo chỉ đạo của huyện, các địa phương đã tiến hành thông tin trên loa truyền thanh, niêm yết danh sách công khai để mọi người dân cùng biết. Đồng thời lập tổ công tác gồm cán bộ chính sách, đại diện Mặt trận Tổ quốc, Trưởng, Phó thôn, Bí thư Chi bộ… đến từng gia đình trong diện thụ hưởng để rà soát, xác minh, đối chiếu.
Sau đó, tiến hành họp khu dân cư, công khai danh sách để nhân dân góp ý, phát hiện những trường hợp bỏ sót, hưởng trùng chế độ hoặc không sinh sống tại địa phương. Danh sách này sau khi tổng hợp, gửi lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sẽ được rà soát lại lần cuối cùng trước khi lập tờ trình, đề nghị UBND huyện ra quyết định phê duyệt.
Theo đó, tổng số đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ toàn huyện gồm 17.602 người, tổng tiền chi trả 14.906.250 đồng. Trong đó, đối tượng người có công 445 người, tổng tiền 665.500.000 đồng; đối tượng bảo trợ xã hội 1.850 người, tiền chi trả 2.760.000 đồng; đối tượng hộ nghèo 4.800 người, số tiền chi trả 3,6 tỷ đồng; hộ cận nghèo 10.507 người, tổng tiền 7.879.750.000 đồng.
Trước đó, qua rà soát kỹ càng từng đối tượng, đã có trên 40 trường hợp hưởng trùng được loại khỏi danh sách, và số tiền 43.500.000 đồng dự định chi cho số đối tượng này cũng đã được huyện nộp trả lại ngân sách Nhà nước.
Mặc dù đã rà soát, xác minh kỹ càng trong quá trình lập và chốt danh sách nhưng để tránh sai sót, trùng lắp dẫn đến thiệt thòi cho người dân cũng như lãng phí ngân sách, khi tiến hành chi trả, UBND các xã đều lập tổ giám sát, cùng với ngành bưu điện xem xét từng trường hợp cụ thể. Nhờ cách làm này, cho đến nay, trên địa bàn toàn huyện chưa có trường hợp thắc mắc, khiếu nại nào về vấn đề này.
Để nắm bắt thực tế tại cơ sở, sau khi làm việc với ông Đỗ Tất Hùng - phụ trách Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Như Xuân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã về tìm hiểu công tác này tại Xuân Bình, một xã nghèo giáp huyện Nghĩa Đàn của tỉnh bạn Nghệ An. Làm việc với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Hải Nam cho biết: Sau khi nhận kế hoạch và chỉ đạo từ huyện, xã đã thông tin rộng rãi cho người dân cùng biết. Tiếp đó, thành lập Ban Chỉ đạo, tiến hành họp dân, kết hợp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Trong quá trình rà soát, lên danh sách, theo ý kiến đề nghị của các hộ dân, xã đã tiến hành tìm hiểu, sàng lọc, đưa vào danh sách số đối tượng lao động tự do bị mất việc, ngừng việc do dịch bệnh. Đây là khâu khó khăn, phức tạp, mất thời gian và dễ xảy ra sai sót, nhầm lẫn nhất (mặc dù đã có công văn hướng dẫn) bởi những người này không được quản lý cụ thể, thường nay đây, mai đó, làm các công việc không ổn định như thợ xây, bốc vác... Tuy nhiên với tinh thần “không để sót đối tượng”, Ban Chỉ đạo xã sau khi rà soát, gặp gỡ, xác minh... đã đưa vào danh sách hưởng hỗ trợ 33 đối tượng là lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.
Bên cạnh đó, nhằm tránh chi trùng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, mất công bằng xã hội, Ban Chỉ đạo xã cũng đã xác minh, tìm hiểu kỹ và loại khỏi danh sách 15 trường hợp sai đối tượng do những người này đã chuyển khẩu đi nơi khác sinh sống. Qua đó, trả lại cho ngân sách 11.250.000 đồng.
Để giảm cho ngân sách số tiền trên 11 triệu đồng, cũng như đưa vào danh sách được hỗ trợ 33 người thuộc nhóm lao động tự do. Mặc dù số tiền giảm không lớn, số lao động tự do được nhận hỗ trợ cũng không nhiều. Tuy nhiên, con số này đã nói lên tinh thần trách nhiệm cao cùng sự cố gắng, không ngại khó của các cán bộ từ thôn đến xã, cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân xã Xuân Sơn nói riêng cũng như toàn huyện Như Xuân nói chung.
Tâm sự với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thể, công dân thôn 12, xã Xuân Bình phấn khởi: “Gia đình tôi có 5 khẩu, thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 3.750.000 đồng. Nhận được số tiền này, vợ chồng tôi đã bàn nhau “thắt lưng buộc bụng”, không tiêu pha, mà dồn thêm để mua đôi lợn về nuôi, cố gắng chăm sóc để nay mai có món tiền nuôi con ăn học. Gia đình tôi rất cảm ơn Nhà nước và cán bộ các cấp đã quan tâm những người nghèo như chúng tôi”.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng