Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Lan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa đi làm, vừa tranh thủ đưa đón con học thêm, chạy nước rút cho chặng đua thi vào lớp 10 công lập năm nay.
Con gái chị đặt mục tiêu vào trường THPT Cầu Giấy, năm ngoái trường này lấy điểm chuẩn khá cao - 41,3 điểm (tương đương 8,3 điểm/môn). Dù được giáo viên đánh giá lực học thuộc top khá giỏi của lớp, nhưng chị vẫn lo lắng về kết quả thi của con. Do vậy, ngay từ sau Tết Nguyên đán, chị và chồng ráo riết tìm kiếm thông tin của các trường tư thục để làm phương án dự phòng cho con.
Nhiều phụ huynh Hà Nội mạnh tay chi tiền triệu giữ chỗ cho con vào lớp 10 trường tư. (Ảnh minh họa) |
Sau nhiều cân nhắc, gia đình chị Lan quyết định nộp hồ sơ cho con vào trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm).
Theo chị, nếu không đỗ vào trường công lập, việc chi tiền đảm bảo suất học tại trường tư thục cũng giúp gia đình yên tâm và giảm bớt áp lực cho con trong giai đoạn nước rút này. Để giữ chỗ, trường THPT Đoàn Thị Điểm yêu cầu đóng 2 triệu đồng phí giữ chỗ, số tiền này không được hoàn lại nếu không nhập học.
Trường cách nhà hơn 5 km và 2 triệu đồng không quá lớn nên vợ chồng chị Lan quyết định chi liền tay.
Hầu hết các trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố hiện đều yêu cầu khi thí sinh khi đăng ký xét tuyển, ghi danh phải đóng trước một khoản chi phí, đây được coi như phí giữ chỗ.
Anh Nguyễn Duy Linh (quận Cầu Giấy), có con học lớp 9 tại trường THCS Trung Hòa cho hay, trong thời gian chờ Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10, gia đình chủ động tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào một số trường tư thục trên địa bàn thành phố. Anh quyết định đăng ký nhập học cho con vào trường THCS&THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) với mức phí giữ chỗ 10 triệu đồng/học sinh.
Anh coi việc đăng ký phí giữ chỗ tại trường này giúp con giảm bớt phần nào áp lực của việc ôn luyện thi cử. Nếu đỗ vào trường công lập là điều tốt còn không thì học trường tư thục gia đình vẫn đủ kinh tế để lo cho con.
Việc đặt chỗ cho con vào trường tư thục đang được hầu hết phụ huynh lựa chọn xem đây là giải pháp an toàn, giúp các con giảm áp lực tâm lý.
Chị Thu Hương (quận Đống Đa) đang rốt ráo tìm trường tư để đặt chỗ cho con. Chị quan tâm tới trường THPT Tạ Quang Bửu nhưng cả hai đều chưa thông báo tuyển sinh.
Kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng, dù con có học lực tốt nhưng chị vẫn dự kiến đăng ký thêm 1 - 2 trường tư ở quận Cầu Giấy gần nhà để có thêm nhiều lựa chọn sau này. Vợ chồng chị Hương xác định sẽ mất khoản phí giữ chỗ từ 7 - 10 triệu đồng để an tâm.
Các khoản phí giữ chỗ của các trường tư thục hiện nay dao động từ 2 - 23 triệu đồng. Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) có phí nhập học với học sinh đầu cấp, học sinh chuyển ngang cao nhất đến thời điểm hiện tại (23 triệu đồng/em), học phí hằng tháng là 8 triệu đồng.
Mức phí nhập học tại một số trường tư thục hiện nay như sau: trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 11 triệu đồng/học sinh; trường THPT Newton 12 triệu đồng; trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (5 triệu đồng/học sinh), trường THPT Hà Nội Academy (Tây Hồ) 20 triệu đồng.
Năm học 2024 - 2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10 THPT, tăng hơn 5.000 em so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 237 trường THPT, trong đó 121 trường THPT công lập, hơn 100 trường THPT ngoài công lập. Tỷ lệ học sinh học trường công lập hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% khiến cả học sinh, phụ huynh cảm thấy áp lực.
|
Tác giả: KHÁNH SƠN
Nguồn tin: vtcnews.vn