Một số người cho rằng, việc căn cứ vào 2 bản tin khá sát với giờ chuẩn bị cho học sinh đi học này khiến nhiều gia đình bị động, trở tay không kịp.
Cô và trò Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) trong một tiết học sáng 24/1. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống |
Theo đại diện của cơ quan dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, hàng ngày cơ quan khí tượng sẽ đo nhiệt độ 8 lần vào các khung giờ 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22.
Những ngày rét đậm, rét hại, ngành yêu cầu đo thêm nhiệt độ lúc 6h vì đây là thời điểm có nền nhiệt độ thấp nhất.
Cơ quan khí tượng thủy văn chỉ đưa ra số liệu quan trắc, việc quyết định nghỉ học hay không tùy thuộc cơ quan giáo dục và các cơ sở giáo dục linh hoạt.
Cô trò đốt lửa sưởi ấm ở Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: Dân Trí. |
Theo báo VnExpress, sáng 24/1, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sở dĩ ra thông báo như vậy vì cơ quan này đánh giá bản tin dự báo thời tiết lúc 6h từ cơ quan chuyên môn có tính chính thống, là căn cứ xác đáng để quyết định.
Ngoài ra, công tác phòng, chống rét đã được thực hiện từ đầu mùa đông. Trước mỗi đợt lạnh sâu, các trường được yêu cầu lên kế hoạch ứng phó, như cho học sinh nghỉ học, học trực tuyến hoặc trang bị thêm cơ sở vật chất để đón học sinh trong những ngày này. Phụ huynh cũng thường xuyên được nhắc nhở, khuyến cáo theo dõi tình hình thời tiết để giữ ấm cho con.
Sở nhìn nhận đây là phương án linh hoạt, trao quyền chủ động cho các trường dựa trên điều kiện thực tế.
"Những trường nghỉ vẫn mở cửa đón học sinh nếu gia đình không có người trông. Do đó, bản chất của quy định này không phải cứ 6h sáng mới rối lên tìm cách làm, mà đã có sự chuẩn bị rồi", đại diện Sở nói.
Các tỉnh, thành miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024. Dự kiến, đợt rét này kéo dài tới hết 28/1, trong đó hai ngày 22-23/1 rét nhất: đồng bằng thấp nhất dưới 10 độ, trung du dưới 7 độ và vùng núi cao dưới 0 độ C.
Tác giả: Thục Hiền (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn