Giờ lành đã đến, Thư cùng gia đình chỉnh trang lại đâu ra đấy, chuẩn bị nghênh đón nhà trai dẫn lễ tới. Phải hôm nay chính là ngày ăn hỏi của Thư và Quân sau 1 năm yêu nhau. Anh và cô đã có được sự đồng thuận của gia đình đôi bên.
Nhìn đoàn nhà trai bước vào, mẹ Thư liền cau mày. Trước đó đã bàn tốt lễ ăn hỏi bao gồm 5 tráp, nhưng hôm nay bên nhà Quân chỉ mang tới 3 tráp, đã thế còn lèo tèo, lơ thơ vài thứ. 5 tráp chỉ là mức bình thường, đâu phải cao xa gì mà nhà Quân không làm nổi. Con gái nhà mình mất giá là một chuyện, hàng xóm chê cười là thứ 2, quan trọng hơn nhà Quân không giữ lời hứa. Tuy rằng có thể nói mình sống không cần để ý ánh mắt, sự đánh giá của mọi người, miễn chẳng thẹn với lương tâm là được. Thế nhưng có những phong tục tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, không thể nói thay đổi suy nghĩ là thay đổi ngay.
Dù vô cùng không hài lòng nhưng bố mẹ Thư vẫn nhịn xuống. 3 tráp hay 5 tráp suy cho cùng chẳng thể làm nên hạnh phúc của cô lẫn Quân, miễn 2 người sống với nhau tốt là được. Bố mẹ Thư vì con gái mà làm ngơ những lời xì xào, bàn tán của họ hàng và láng giềng có mặt ở đấy khi nhìn thấy 3 tráp ăn hỏi nhà Quân mang tới. Có người còn hơi cao giọng, bĩu môi: “Ăn hỏi thế này thà rằng chẳng ăn hỏi còn hơn, làm trò cười cho mọi người”.
Ảnh minh họa |
Thư cũng thấy thật muối mặt, nhất là với bạn bè ở đây. Con gái cả đời mới có một lần cưới chồng, ai chả muốn được rình rang, rôm rả, gia đình Thư lẫn nhà Quân không phải giàu có nhưng chưa tới mức túng thiếu như này. Thư nhìn về phía chồng tương lai bằng ánh mắt trách móc, Quân chỉ biết thở dài bất lực. Tới lúc xe chuyển bánh đi đến nhà gái anh mới biết sự tình. Trước đó mẹ anh không cho anh can thiệp vào, anh cũng nghĩ việc này để mẹ mình chuẩn bị là hợp lí nhất, nào ngờ…
Nhưng chuyện nào đã dừng ở đó. Mẹ Thư xem phong bì tiền dẫn cưới nhà Quân mang tới mới té ngửa khi biết trong đó chỉ có 2 triệu đồng, trong khi trước đó đôi bên đã thống nhất số tiền là 10 triệu đồng. 10 triệu không thể nói lớn hay nói nhỏ, nhưng đó là tiền dẫn cưới mức thông thường ở khu nhà Thư, chỗ Quân cũng tương đồng. Hơn nữa, tiền này chỉ là hình thức cho có, sau này bố mẹ Thư sẽ cho lại vợ chồng cô mà thôi.
Chuyện tráp ăn hỏi bố mẹ Thư đã phải nghẹn một bụng tức, lại tới vấn đề này, ông bà không nhịn nổi nữa, bảo Thư gọi Quân vào phòng riêng nói chuyện. Quân tá hỏa khi biết trong phong bì chỉ có 2 triệu, nếu trong túi có tiền lúc này anh sẽ lập tức bù thêm vào cho đủ, song đi hỏi vợ ai mang tiền tới chục triệu làm gì! Quân gọi về cho mẹ hỏi bà thì mẹ Quân bên kia hờ hững trả lời: “Nếu đã là hình thức thì bao nhiêu chả được, quan trọng gì. Đằng bên đấy cũng trọng vật chất quá đi”. Chả là hôm nay chỉ có bố Quân tham gia đoàn ăn hỏi, còn mẹ anh thì không.
Nhà Thư nghe được thì tức phát điên, tuy là hình thức, nhưng khi bạn bè, anh em, hàng xóm hỏi mẹ Thư biết trả lời thế nào? Nếu mẹ Quân có thái độ như này từ hôm 2 gia đình gặp mặt, chắc chắn bố mẹ Thư sẽ không đồng ý gả cô. Đến hôm nay mẹ anh mới quay ngoắt thái độ, chắc hẳn bà nghĩ có chuyện gì nhà Thư chỉ đành nhịn, bởi lễ ăn hỏi không thành cuối cùng người chịu thiệt thòi chính là Thư. Sau này cưới xong, Thư về làm dâu nhà Quân, mẹ anh sẽ lại càng chẳng cần ái ngại nhà cô.
Ảnh minh họa |
Bố Thư phẫn nộ vô cùng, tiền bạc là một chuyện, quan trọng hơn nhà Quân chẳng chút tôn trọng ông bà, coi Thư chả ra gì. Nếu cứ thế cho qua chuyện này coi như không có gì, sau này nhà Thư đứng trước mặt thông gia còn chút sĩ diện, tôn nghiêm nào nữa? Thư có về nhà Quân cũng bị chèn ép khổ sở mà thôi.
Sự việc nhanh chóng bị đại diện họ nhà trai phát hiện khi Quân hấp tấp muốn mượn tiền từ họ hàng nhà mình hôm nay theo đoàn tới tham gia lễ ăn hỏi. Chuyện 3 tráp kia anh đã thấy áy náy với nhà vợ tương lai, nếu chuyện này còn bắt Thư phải nhẫn nhịn nữa, anh sao đáng mặt đàn ông. Một bên là mẹ, anh không thể trách móc nặng lời. Nhưng một bên là vợ và nhà vợ, anh cũng không thể để kệ vợ tủi thân được.
Đại diện nhà trai chính là anh trai bố Quân, nghe chuyện thì nổi giận đùng đùng: “Làm gì có chuyện nhà gái đòi bao nhiêu nhà trai phải đưa bấy nhiêu, cái này làm theo phong tục bên nhà trai. Thuyền theo lái gái theo chồng, các cụ đã nói rồi!”. Bố Quân hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh trai mình. Chuyện ồn ã lên, phút chốc mọi người đều biết. Nhà Thư đến nước này cũng không kiềm chế nổi nữa, bố Thư lên tiếng: “Về chuyện này gia đình 2 bên đã bàn bạc đâu ra đấy, làm như thế này là phía nhà cháu Quân bội ước…”.
Đôi bên bắt đầu tranh cãi lên, Thư và Quân can thế nào cũng không được. Ai cũng khăng khăng cho rằng mình đúng, chẳng ai chịu nhường ai. Cuối cùng, bố Quân chốt lại vấn đề: “Thế nhà gái còn định làm lễ ăn hỏi nữa hay không, nếu không thì nhà trai chúng tôi xin phép đi về”. Quân sợ hãi la lên: “Bố…”. Song bố Thư đã cắt ngang: “Nếu nhà trai coi thường nhà gái thế thì chúng tôi cũng không cố nài ép. Dẫu kết hôn là chuyện của đôi trẻ, nhưng gia đình 2 bên không hòa thuận cũng khó khiến chúng nó hạnh phúc được”.
Nhà trai nghe vậy liền dọn dẹp đồ đạc ra về, Quân sốt đắng dặn Thư vài câu rồi theo đoàn nhà trai về giải quyết chuyện hôm nay. Bố Thư quát con gái: “Khóc cái gì mà khóc, không lấy nó thì lấy thằng khác. Nếu thằng Quân sau chuyện này không giải quyết ổn thỏa bên phía bố mẹ nó được thì tao nhất quyết không gả nữa. Có về cái nhà đấy sống cũng chẳng yên ổn đâu! Lấy chồng dựa vào chồng, thằng Quân như thế thì dựa vào ai”.
Nhìn phòng khách mới vừa rồi còn đông vui, nhộn nhịp, giờ đã tan hoang vắng vẻ, Thư chẳng biết rồi chuyện tình yêu của mình với Quân sẽ đi về đâu nữa…
Tác giả: Phạm Giang
Nguồn tin: helino.ttvn.vn