|
Đọc chia sẻ của cháu, chú cảm giác như thấy lại hình ảnh mình của những ngày tuổi trẻ. Giờ thì chú đã làm cha của hai cô con gái. Làm cha rồi mới hiểu được tấm lòng của người làm mẹ làm cha.
Ngày ấy chú cũng xuất thân con nhà nghèo lên thành phố học hành và mưu sinh. Trời xui đất khiến lại yêu một cô con gái nhà giàu sang học cùng lớp Đại học. Một chàng trai tỉnh lẻ nghèo khó chắc chắn sẽ luôn cảm thấy mình mặc cảm với người yêu. Đó là chưa kể người ngoài nhìn vào luôn dị nghị dèm pha rằng mình là kẻ tham lam, cơ hội.
Lúc đó chú luôn tự nhủ mình, nghèo những không được hèn, không để bạn gái coi khinh. Chú từ chối mọi sự gợi ý trợ giúp từ bạn gái và gia đình họ, kể cả về công việc. Sau hai năm ra trường chú vẫn chưa tìm nổi một chỗ làm tử tế nên đã mấy lần tính đến chuyện chia tay.
Cha người yêu chú là người làm ăn, có lẽ vì thương con gái nên đã chủ động tìm gặp chú. Hôm đó, hai người đàn ông, một già một trẻ, một thành đạt, một lông bông ngồi ở quán bia ven bờ hồ trò chuyện như hai người bạn.
Ông bảo chú rằng “Những người nghèo thường có nhược điểm là hay tự ái. Tự ái nhiều đến nỗi hễ khi mình khó khăn có người chìa tay ra muốn giúp đỡ thì ngay lập tức xù lông nhím lên cho rằng mình bị coi thường. Bác có được ngày hôm nay cũng là nhờ ngày xưa có quý nhân giúp đỡ. Cháu còn trẻ, cháu có học, có nghị lực, điều duy nhất cháu cần bây giờ là một cơ hội để phát triển và chứng tỏ bản thân. Bác không cho cháu tiền, bác chỉ cho cháu cơ hội. Nếu cháu không biết nắm lấy thì làm sao có thể ổn định, phát triển thành công. Làm sao bác có thể tự tin giao con gái bác cho cháu được”.
Sau hôm đó suy nghĩ chú đã khai thông hẳn. Chú về đầu quân cho công ty bố người yêu, nỗ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi. Rồi mọi chuyện tốt đẹp cứ lần lượt đến, chú cưới vợ rồi sinh con. Cho nên chú nghĩ điều khó khăn với cháu lúc này chính là vượt qua rào cản tâm lý người yêu mình là con nhà giàu.
Giờ chú có hai đứa con gái, thương lắm. Chú nghĩ sau này chàng trai nào muốn làm rể chú cũng phải qua ải của chú đã thì chú mới yên tâm. Vậy nên theo như lời cháu kể thì bố mẹ bạn gái cháu không có gì là coi thường cháu cả. Họ biết cháu nghèo nhưng không phản đối, không nói những lời lẽ khó nghe, ngược lại tiếp đãi tử tế, trao đổi thẳng thắn. Đó chính là cách họ tôn trọng cháu.
Cháu đừng nghĩ việc họ đề nghị cho cháu nhà, tìm người giúp việc hay yêu cầu cháu nghỉ việc nhà nước về giúp họ quản lý cơ đồ là coi thường cháu. Họ sẽ không làm thế nếu họ không có tiền. Nghĩa là người có tiền thì họ thương con và lo cho con theo cách của kẻ có tiền vậy thôi.
Điều may mắn nhất là cháu chính là vợ sắp cưới của cháu. Cô ấy sống trong nhung lụa nhưng không chê cháu, yêu cháu thật lòng đến nỗi cố tình để có thai buộc bố mẹ mình vào “thế đã rồi” không thể phản đối. Thực ra, nếu muốn phản đối thì họ vẫn làm, chẳng qua họ không muốn thôi, vì họ không đem cái sĩ diện của mình ra đánh đổi với hạnh phúc của con gái. Thay vì tự ái, sao cháu không nghĩ mình là một người may mắn, vừa có được người vợ yêu mình, vừa có con, lại được gia đình vợ quan tâm chu toàn về mọi mặt.
Người ta vẫn nói “kẻ ít tiền thì thường lại nhiều tự ái”. Tự ái và tự trọng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng nhiều người cứ hay nhầm lẫn. Bởi vậy thay vì biết tự trọng và tôn trọng người khác thì lại bày tỏ thái độ tự ái sĩ diện, cuối cùng là hỏng bét hết cả.
Tác giả: Độc giả Trần Hoàn
Nguồn tin: Báo Dân trí