Sinh thời, cha mẹ ông Bình (55 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) sinh được 8 người con, sáu trai, hai gái. Tất cả các anh chị em đều có gia đình riêng. Hồi còn sống chung cùng ba mẹ, họ rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, ai cũng chăm lo học hành, tu chí làm ăn, xây dựng cuộc sống riêng và đều được cho đất để xây nhà ở.
Riêng ông Hưởng (50 tuổi, người em kế ông Bình) thì ngược lại, từ nhỏ đã ham chơi, đua đòi, chẳng chịu nghe lời làm bố mẹ rất buồn lòng. Ngày ông Hưởng lấy bà Hoa, một người phụ nữ hiền lành, tốt nết, chịu thương chịu khó, và giỏi kinh doanh, ai cũng vui.
Thương em dâu, ông Bình (là anh trai cả, được các em rất nể phục) bàn với bố mẹ nhường cho vợ chồng em trai căn nhà các cụ đang ở rộng gần 200m2, có mặt đường để bà Hoa buôn bán tại nhà, từ đó, giúp ông Hưởng có việc làm, biết thương yêu, lo lắng cho vợ con (việc cho này chỉ là nói miệng, chưa có di chúc). Đồng thời, vợ chồng ông Hưởng sẽ có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc cho ba mẹ.
Dĩ nhiên, ai trong gia đình cũng đồng ý, còn ông Hưởng hứa sẽ thay đổi, làm người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Kế đó, bà Hoa cùng chồng xây sửa lại nhà để mở một cửa hàng bán trái cây, đồng thời chăm sóc bố mẹ chồng đang đau bệnh.
Thời gian đầu, ông Hưởng tu chí làm ăn, phụ vợ việc kinh doanh, chăm sóc bố mẹ. Nhìn em trai, ông Bình rất vui và hãnh diện. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn, ông Hưởng lại chứng nào tật nấy, ăn chơi, ngoại tình với người đã có gia đình.
Biết chuyện, bà Hoa khuyên chồng dừng lại thì bị đánh và mắng chửi. Ông Bình và các anh chị em cũng ra sức khuyên bảo mà chẳng được. Mâu thuẫn giữa anh chị em họ bắt đầu từ đó.
Sau khi ba mẹ qua đời, ông Hưởng đuổi vợ con ra khỏi nhà, đưa người tình về sống ở tầng dưới, còn hai tầng trên thì cho thuê, mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng. Bà Hoa phải mang ba đứa con còn nhỏ đi thuê nhà trọ và thuê mặt bằng bán trái cây ở chợ.
“Trước đây, tôi sống với ông ấy là vì bố mẹ chồng, sợ hai cụ đang đau bệnh mà buồn. Bây giờ, ông ta chẳng xứng đáng là chồng, là cha của ba đứa con tôi”, bà Hoa tâm sự. Bà làm đơn ly hôn và được tòa chấp nhận.
Ảnh minh hoạ: real estate blog. |
Dù không còn là dâu con trong nhà, nhưng bà Hoa luôn được anh chị em chồng cũ thương yêu, coi trọng. “Thương nó, một mình phải nuôi ba đứa con nhỏ, không được chồng cấp dưỡng gì cả. Thằng Hưởng nó hành động nhu nhược, thiếu suy nghĩ thì phải lãnh hậu quả thôi”, ông Hưởng nói. Ông và các anh chị em khác luôn ở bên động viên em dâu, hỗ trợ tài chính để bà Hoa mua nhà, nuôi các con ăn học.
Song song đó, ông cùng bà Hoa và các anh chị em khác làm đơn kiện đòi ông Hưởng căn nhà để cho mẹ con bà Hoa ở. “Căn nhà đó là của bố mẹ, vì thương vợ chồng nó, chúng tôi mới đồng ý để nó sở hữu. Bây giờ, nó hành động bộp chộp, chẳng xem ai ra gì thì, chúng tôi phải đòi lại”, ông Bình nói về quyết định của mình.
Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên đã kéo dài từ năm 2002 đến nay. Tháng 11 vừa qua, Tòa án gia đình và người chưa thành niên TP HCM đưa vụ án ra xét xử. Gặp các anh chị em của mình, ông Hưởng lớn tiếng chửi: “Tụi mày ngu lắm. Tụi mày xem người dưng không bằng anh em ruột thịt. Để xem, có thắng được thằng này không?” Ông Bình và các anh chị em khác im lặng.
Do họ chỉ khởi kiện đòi lại phần tiền xây nhà bà Hoa đã đóng góp (không liên quan đến đất), nên tòa yêu cầu ông Hưởng phải trả một nửa số tiền xây nhà cho vợ cũ. Phiên tòa kết thúc, ông Bình nhanh chóng đi gặp thư ký để tiếp tục gửi đơn kiện đòi chia tài sản thừa kế với em trai. “Tôi phải quyết đòi đến cùng để giao lại cho em dâu, nó thiệt thòi vì gia đình tôi rất nhiều.
Tôi không ngờ mình lại có thằng em như vậy. Hành động của nó hôm nay rồi phải nhận cái kết đắng ở tuổi xế chiều thôi”, ông Bình bộc bạch nỗi lòng trong lúc tai vẫn văng vẳng những lời mắng chửi thô tục của cậu em bị thua kiện.
Luật sư Nguyễn Thế Thịnh, đoàn luật sư TP HCM là người hỗ trợ pháp lý cho bà Hoa cho rằng, chuyện đàn ông ngoại tình bị cả gia đình quay lưng như ông Hưởng là rất thường tình. Thế nhưng, chuyện cả gia đình nhà chồng quyết đòi tài sản từ em trai cho em dâu lại rất hiếm.
“Tôi rất nể việc làm của ông Bình và các anh chị em ông. Vì thương em dâu đối xử tốt với nhà chồng mà bị ông Hưởng đối xử tệ bạc, họ đã bỏ qua quyền lợi của mình. Việc làm ấy rất đáng trân trọng và rất hiếm trong lịch sử tố tụng”, vị luật sư nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Tác giả: Phan Thân
Nguồn tin: Báo VnExpress