Ông Thương (quận Bình Tân, TP HCM) và bà Hiền cùng quê Quảng Ngãi. Họ cưới nhau ở quê vào năm 1991, có hai con chung, một trai một gái đã trưởng thành, công việc ổn định. Lúc đầu, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng con cái thương yêu, đùm bọc nhau.
Cuộc sống khó khăn, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Họ bàn nhau để bà Hiền vào Sài Gòn kiếm tiền phụ giúp gia đình, khi có điều kiện cả nhà sẽ đoàn tụ ở đó. Còn ông Thương ở nhà chăm con nhỏ, chu toàn việc nhà cửa, ruộng vườn.
Ông Thương ngồi cô đơn một mình trong phiên tòa xử. Ảnh: Phan Thân. |
Dù cách xa cả ngàn cây số nhưng gia đình họ luôn hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Bà Hiền ở Sài Gòn làm nghề bán vé số, sống tằn tiện, tiết kiệm gửi về cho chồng nuôi con. Sau những cố gắng, họ đã mua được một căn nhà tại quận Bình Tân, TPHCM.
Đùng một cái, cả gia đình choáng váng khi biết tin ông ngoại tình. Người đó không ai khác là thím dâu của ông. Chuyện xảy ra khi bà đi làm ăn xa. Một người vắng vợ, người kia đang cô đơn vì mất chồng, vậy là họ cảm mến lúc nào không hay. Lúc đầu, cả hai còn e dè, kín đáo nói chuyện, hay tranh thủ nhờ việc gì đó để gặp nhau.
Lâu dần, họ bắt đầu ngoại tình công khai. Cả gia đình ông đều biết, làng trên xóm dưới ai cũng xôn xao, mẹ con bà Hiền ngao ngán. Ai cũng khuyên bảo, can ngăn, ông Thương vẫn một mực bảo vệ mối tình vụng trộm của mình, vì thế, mẹ con bà Hiền cùng phía anh em nhà chồng tổ chức đi bắt tại trận.
Bị phát hiện ở với thím dâu trong khách sạn, ông Thương vô cùng bực tức, thóa mạ vợ con, anh chị em. Ông còn xô xát đánh em trai thương tật, khiến ai cũng bất mãn. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra từ đó.
Về nhà, ông viết đơn ly hôn để được sống cùng người tình và quyết tranh chấp căn nhà ở quận Bình Tân với vợ. “Vì gia đình, vì con tôi phải xa con, gắng làm lụng vất vả, tiết kiệm từng đồng lo kinh tế. Vậy mà... Ông ấy bạc đầu rồi còn nông nổi. Để xem ông ấy hạnh phúc được bao lâu”, bà Hiền nói. Tòa chấp nhận cho họ ly hôn.
Tháng 8 vừa qua Tòa án gia đình và người chưa thành niên TP HCM đưa vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn ra xét xử. Gia đình họ đến tòa chia làm hai phe đối lập. Ông Thương một mình lặng lẽ. Bên kia, bà Hiền, các con và anh chị em phía nhà chồng vui vẻ trò chuyện, cười nói rôm rả. Ba phiên xử trước đó cũng y như vậy.
Các anh chị em ông Thương cho rằng, đó là hình phạt mà ông phải nhận cho những việc đã làm. “Nó ngoại tình, không nhận mình sai còn có những lời nói, hành động khiếm nhã. Gia đình chúng tôi thà mất chứ nhất định không chấp nhận một người như vậy. Đó cũng là điều nó muốn”, một người anh của ông Thương nói.
Phiên tòa diễn ra, ông Thương cương quyết giành lại căn nhà, dù bà Hiền và phía gia đình tha thiết xin ở lại để thuận tiện cho công việc của các con và sẽ trả một nửa giá trị. “Tôi ngoại tình là có lỗi. Tôi đã rất ân hận, vậy mà người ta cứ mắng chửi, chì chiết, vì thế phải giành lại những gì thuộc về mình”, ông Thương nói.
Cuối cùng, sau khi xem xét hết các chứng cứ, tòa quyết định chia đôi căn nhà, ông Thương một nửa, mẹ con bà Hiền một nửa và được ở lại tại đây. Hiện ông Thương đang tiếp tục gửi đơn lên giám đốc thẩm để đòi nhà.
“Căn nhà ở quê được bố mẹ cho giờ tôi cũng không có phần. Sắp bước qua tuổi 60 mà tôi không có nhà để ở, không có nơi để đi. Mỗi dịp lễ tết, nhìn gia đình nào cũng hạnh phúc bên nhau, mình tôi thui thủi, tim tôi đau lắm. Đã nhiều lần tôi cố gắng quên đi mọi mâu thuẫn để có một gia đình nhưng không thể được”, ông Thương tâm sự.
Một vị thẩm phán của TAND TP HCM (xin giấu tên) cho rằng, những mâu thuẫn của câu chuyện trên là do cách hành xử không khéo léo, cái tôi quá cao của người trong cuộc đẩy hận thù lên cao trào. Bà cho biết, tháng 10 vừa qua, tòa cũng xử một vụ tương tự.
Một người đàn ông ngoại tình, ăn chơi chẳng quan tâm đến vợ con, còn tự ý cho thuê căn nhà để sống chung cùng người tình, khiến ai trong gia đình cũng bất bình, các con ghét bỏ. Được sự đồng ý và ủng hộ của anh em phía nhà chồng, người vợ đã ly hôn và tranh chấp tài sản là căn nhà.
Ở tòa, người đàn ông ấy cũng một mình, phía bên kia là toàn bộ người thân. Họ cứ thế chì chiết, miệt thị, kể tội nhau. Cuối cùng, tòa chấp nhận yêu cầu của người vợ. Bị thua kiện, anh chồng đã dùng những lời khó nghe mắng chửi vợ con và các anh chị em nhà mình.
Vị thẩm phán cho biết, chuyện ngoại tình bị người thân ghét bỏ như hai người đàn ông ở câu chuyện trên không phải hiếm. Nguyên nhân chỉ vì họ có những hành động, lời nói không khéo léo gây mất lòng, dẫn đến mâu thuẫn đẩy lên cao trào, đến khi muốn quay lại vô cùng khó.
“Người đã có gia đình mà ngoại tình rất đáng lên án, nhưng nếu khéo léo trong cách ứng xử thì mọi chuyện lại êm thấm. Vì thế, đừng vì cái tôi quá lớn, sự ích kỷ cá nhân mà để mình phải sống trong cô đơn, nhất là khi tuổi đã cao”, vị thẩm phán nói.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Tác giả: Phan Thân
Nguồn tin: Báo VnExpress