Trong tỉnh

Nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo

Ngày 28-12, tại Trung tâm Hội nghị 25B, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại điện lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2017, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,54%; bình quân thu nhập hộ nghèo tăng 1,74 lần so với năm 2016. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện về cả sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Đồng chí Phạm Đăng quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động “Chung tay vì người nghèo năm 2017”. Tại buổi lễ, đã có 163 tập thể, cá nhân đăng ký ủng hộ với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng. Tính đến ngày 15-12-2017 đã có 299 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ bằng tiền mặt hoặc làm nhà trực tiếp tại các địa phương với số tiền gần 75 tỷ đồng, đạt 89,8%. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể, đơn vị đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội.

Toàn cảnh hội nghị.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo năm 2017, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, rút kinh nghiệm từ các mô hình giảm nghèo chưa phù hợp, khắc phục những hạn chế trong công tác giảm nghèo. Trong đó, xác định, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tập trung hỗ trợ sinh kế, nâng cao ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo của nhân dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Phạm Đăng Quyền đánh giá cao những kết quả các địa phương đạt được trong công tác giảm nghèo năm 2017. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải rút kinh nghiệm đó là: Công tác điều hành, lãnh, chỉ đạo giảm nghèo của các địa phương chưa sâu sát; công tác kiểm tra, đánh giá giảm nghèo tại cơ sở chưa tốt; chương trình hỗ trợ sản xuất vẫn còn những bất cập. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đề nghị trong năm 2018, các địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Các huyện phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, giao được chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng xã, từng thôn và đến từng hộ gia đình và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở. Đồng thời, các huyện phải định hướng cho các xã chọn mô hình giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng. Đối với các sở, ngành, đồng chí đề nghị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chỉ đạo các địa phương thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo. Các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh phải tăng cường công tác phân công chỉ đạo cơ sở. Ngay sau hội nghị này, các ngành chức năng phải triển khai xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án, mô hình giảm nghèo. Đồng chí cũng yêu cầu các huyện khảo sát, rà soát và có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội để mọi người dân đều được đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vui vẻ, đầm ấm.

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok