Xã hội

Tỉnh Thanh Hóa lấy đất, rừng của dân như thế là có thiếu sót

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên bàn bạc, đối thoại cùng với đại diện các nhóm hộ để thống nhất phương phương án đền bù, giải quyết quyền lợi của người dân.

Liên quan tới vụ việc "Tỉnh Thanh Hóa lấy hàng trăm ha đất rừng không đền bù, dân mất kế sinh nhai", hôm 20/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đây là quyết định có sự thiếu sót.

"Việc tỉnh này giao hơn 200 ha diện tích đất, rừng tại thành phố Thanh Hóa cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng), trực thuộc thành phố Thanh Hóa), thuộc thẩm quyền của địa phương.

Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đơn vị nói trên có sự thiếu sót.

Ông Lê Văn Hoa ở phường Đông Cương có khoảng 1 ha đất rừng bị thu hồi theo Quyết định 1105. (ảnh: Thụy Du).

Căn cứ vào những nội dung báo nêu, có thể thấy Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có/nhận thấy những thiếu sót trong việc ban hành quyết định 1105/QĐ-UB ngày 16/6/1999 về việc giao đất cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng.

Đồng thời đơn vị này đã có chỉ đạo thực hiện đền bù cho người dân bị thiệt hại bằng các văn bản: số 9572/UBND-KTTC; Công văn số 6010/UBND-TD ngày 23/6/2015.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là địa phương chưa có kinh phí để đền bù cho người dân.

Do đó, theo chúng tôi, trong khi chưa có đủ kinh phí để hỗ trợ cho người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên bàn bạc, đối thoại cùng với đại diện các nhóm hộ để thống nhất phương án đền bù, giải quyết, hài hòa quyền lợi của người dân, tránh những hệ lụy có thể xảy ra.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại thời điểm ban hành Quyết định số 1105/QĐ- UB ngày 16/6/1999.

Khi ban hành quyết định này, chính quyền các cấp tại tỉnh Thanh Hóa có thỏa thuận, thông báo với người dân hay không?

Từ đó có những cách thức xử lý phù hợp hơn, vừa đúng pháp luật vừa hợp lòng người", ông Nguyễn Văn Hà nêu quan điểm.

Điều đáng nói là, trước khi tỉnh Thanh Hóa giao hơn 200 ha diện tích đất, rừng tại thành phố Thanh Hóa cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng, địa phương này không hề thông báo, ban hành quyết định thu hồi đất, cũng như việc thực hiện kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, trong trường hợp chính quyền địa phương thu hồi đất, rừng nhưng không đền bù cho dân là trái luật.

"Nếu xét về giá trị thì đây là vị trí "đất vàng", và nhạy cảm.

Trường hợp nếu chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không đền bù là trái luật, bởi trên diện tích đó có tài sản, công sức canh tác của người dân.

Trường hợp nếu chưa hoặc không có tiền đền bù cho các hộ dân thì không nên thu hồi để bàn giao đất rừng cho tổ chức khác quản lý", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung cho biết.

Tài liệu về Luật đất đai 2013 cũng chỉ rõ cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm rõ nét Điều 53, quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác; Điều 67 về thông báo thu hồi đất..., Điều 69 quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất...

Có dấu hiệu vi phạm Điều 74; 75; 76; 77 quy định tại Mục 2 về việc bồi thường về đất và tái định cư, Luật đất đai 2013...

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền đều thừa nhận việc chính quyền lấy đất rừng không thực hiện thu hồi, đền bù cho các hộ dân, nhưng đã vội giao cho đơn vị khác quản lý là trái quy định của luật đất đai.

Thậm chí, ngay cả khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo (số 9572/UBND-KTTC; Công văn số 6010/UBND-TD ngày 23/6/2015), về việc giải quyết bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, nhưng cấp có thẩm quyền cũng không thực hiện.

Lý do được đưa ra là "không có tiền đền bù" hoặc đây là thiếu sót do "lịch sử để lại".

Cần phải nói rằng, đây là vụ việc đã kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là đối với hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi quyết định 1105 của tỉnh Thanh Hóa trước đó.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 16/6/1999, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 1105/QĐ-UB về việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, trực thuộc thành phố Thanh Hóa).

Quyết định 1105 về việc giao rừng cho đơn vị trên quản lý, nhưng cơ quan có thẩm quyền không ban hành quyết định thu hồi, đề bù tới từng hộ dân bị ảnh hưởng.

Quyết định do ông Nguyễn Văn Thát – Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa lúc đó ký.

Theo đó, tổng diện tích đất được giao là 219,5 ha (trong đó đất lâm nghiệp là 206,5 ha; Đất chưa sử dụng là 13 ha) phân bố trên các địa phận hành chính gồm xã Đông Cương (nay là phường Đông Cương), phường Hàm Rồng, xã Thiệu Dương (nay thuộc thành phố Thanh Hóa).

Điều đáng nói là, trước thời điểm tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao đất lâm nghiệp cho cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng quản lý (1999), thì tại các khu vực đồi Hàm Rồng, Đông Cương, Thiệu Dương, người dân đã khai hoang, phục hóa đất đồi, núi từ những năm đầu thập kỷ 80, để trồng cây (bạch đàn, keo...), có giấy tờ về việc sử dụng đất lâm nghiệp.

Với quyết định này, hàng trăm hộ dân sau hàng chục năm khai hoang canh tác, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bỗng dưng mất kế sinh nhai, khi chính quyền lấy cả trăm ha rừng chuyển cho đơn vị khác quản lý, mà không hỗ trợ, đền bù cho dân.

Tác giả: Thụy Du

Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok