Nhiều trẻ em hiện nay được sinh ra trong điều kiện khá giả, những phụ huynh thế hệ 8X và 9X sẵn sàng đổ cả đống tiền để đầu tư ăn uống, học hành cho con lứa tuổi mầm chồi.
Đứa cháu hơn 3 tuổi của tôi đang học ở một trường mầm non tư thục, nơi hầu hết là những gia đình khá giả muốn có các điều kiện tốt nhất cho con đi học. Ở trường có mở thêm lớp tiếng Anh, coi như buổi học ngoại khóa cho các cháu. Lớp của cháu tôi có hơn 30 đứa thì chỉ có 4 đứa mà phụ huynh không cho con đi học, trong đó có cháu tôi. Mấy phụ huynh không cho con đi học đều nói vui rằng, tiếng Việt nói còn chưa rõ thì sao học được tiếng Anh?
Học sinh mầm non ở TPHCM trong giờ làm quen với tiếng Anh. (Ảnh minh họa: Hoài Nam) |
Tâm lý chung của phụ huynh là “phải giỏi tiếng Anh và chỉ cần có tiếng Anh là làm gì cũng được” nên nhiều người đầu tư cho con học môn này một cách tối đa. Ngoài học trên trường, phụ huynh còn cho con học nhà cô giáo, học tại trung tâm ngoại ngữ. Không những thế, khi ở nhà, cha mẹ cũng tranh thủ giờ ăn, giờ ngủ để dạy từ mới tiếng Anh cho con. Đánh vào tâm lý chiều con và muốn đầu tư cho con hết sức, các trung tâm tiếng Anh đưa ra nhiều lời hứa về triển vọng học tập và tiếp thu kiến thức, để phụ huynh yên tâm mà gửi con theo học.
Trẻ ở thời kỳ tiền lớp 1, kiến thức mới vỡ lòng, tiếng Việt còn chưa thông tỏ hết, nhiều bé còn nói ngọng, nói giọng địa phương nhưng lại đồng loạt đi học thêm tiếng Anh như một trào lưu. Tuy nhiên, học tiếng Anh ở lứa tuổi mầm chồi chỉ được xem là một sân chơi ngoại khóa để trẻ làm quen với ngoại ngữ. Loanh quanh một khóa học, chỉ là để trẻ bắt nhịp với những thứ xung quanh mình như “table”, “dog” hay “chicken”… Trẻ chưa đủ lớn để có ý thức tiếp thu hoặc khả năng ghi nhớ, điều này dễ dẫn đến tình trạng học xong lại quên ngay.
Bản thân tôi nghĩ rằng, học tiếng Anh quá sớm khi trẻ nói tiếng Việt còn chưa sõi thì cũng như học vẹt. Bởi thực tế, học Ngoại ngữ ngoài năng khiếu còn do sự rèn luyện, mà sự rèn luyện còn cần ý thức và môi trường. Thực tế khi tìm hiểu, nhiều trẻ học đến cấp 2, 3 và đã được đi học thêm tiếng Anh nhiều năm nhưng trình độ tiếng Anh còn rất hạn chế. Nhiều người kỳ vọng và cố cho con theo học những trung tâm tiếng Anh chất lượng nhưng cuối cùng cũng chỉ thu được kết quả tỷ lệ nghịch.
Học ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh là cả một quá trình lâu dài và kiên trì, cần có thời gian, có sự nỗ lực và tính thực hành thực tế. ở người lớn, người đi làm vẫn còn tiếp tục phải học để cập nhật và không quên kiến thức. Ưu điểm của trẻ nhỏ khi được đi học tiếng Anh sớm là tâm lý hào hứng và khả năng tiếp thu nhanh. Tuy nhiên trẻ còn nhỏ quá, hoặc bị học nhồi nhét theo phong trào thì chúng sẽ không đủ khả năng và lúc nó việc học sẽ như một cái máy.
Mặt khác, chỉ có ngoại ngữ giỏi mà kiến thức các môn học khác yếu kém thì con trẻ cũng không phải là một học sinh giỏi thực sự. Học tập, phát triển và ứng dụng thực tế khi ra ngoài xã hội cần có một kiến thức tổng hợp của những môn học. Thế nên dạy và học tiếng Anh ở trẻ em các cấp cũng vậy, điều cần nhất là trẻ tự tin và chủ động sử dụng cả bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết chứ không phải chỉ là điểm 10 trong kỳ thi rồi sau đó lại quên hết.
Tiếng Anh là môn học Ngoại ngữ nhưng nó tổng hợp nhiều kiến thức xã hội khác nhau, sự trưởng thành và phát triển của một học sinh không chỉ hoàn toàn dựa vào ngoại ngữ. Theo tôi, khi hướng cho con học tiếng Anh, phụ huynh và giáo viên cần tư vấn cho con em mình những cách học chủ động, tích cực và hiệu quả hơn, chứ không phải cứ đóng thật nhiều tiền và thu thật nhiều học phí là đạt được mục tiêu trẻ thành công.
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí