Trong tỉnh

Hé mở về ông lớn Đông Bắc Group tại Thanh Hóa

Với việc đặt đại bản doanh tại Thanh Hóa, Đông Bắc Group cũng đã nhanh chóng tích lũy cho mình nhiều dự án khủng tại đây.

Trụ sở chính của Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc. Ảnh: Văn Dũng


Với sức hút về một cực tăng trưởng ở Bắc Trung Bộ, những năm gần đây Thanh Hóa đang là một điểm nóng trong thu hút đầu tư. Thị trường bất động sản nơi đây do đó cũng đã rục rịch hình thành và phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư đến từ khối doanh nghiệp, tập đoàn ở Hà Nội, TP.HCM, động lực phát triển xuất phát từ các doanh nghiệp có "hộ khẩu" tại địa phương cũng không hề nhỏ, trong đó sự trỗi dậy của Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc Group) là một trường hợp khá thú vị.

Ra đời vào năm 2001 bởi bộ đôi doanh nhân Nguyễn Bá Bắc và Mai Thị Thắm, Đông Bắc Group trước đây có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Đến tháng 10/2016, công ty tăng vốn lên 120 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu cổ đông lúc này là ông Nguyễn Bá Bắc (62,67%) và bà Mai Thị Thắm (37,32%).

Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà Mai Thị Thắm đã rút tên khỏi danh sách cổ đông sáng lập, người thay thế là ông Nguyễn Bá Đông. Tại ngày 2/1/2019, Đông Bắc Group có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Bá Bắc góp 501,56 tỷ đồng (62,695%) và ông Nguyễn Bá Đông góp 298,44 tỷ đồng (37,305%).

Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (18/6/2021), số vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên mức 800 tỷ, thành phần cổ đông lúc này là Nguyễn Bá Đông (20%), Nguyễn Bá Bắc (70%) và Nguyễn Văn Chiến (10%).

Trong những năm qua, Công ty Đông Bắc tích cực mua gom nhiều bất động sản trên địa bàn TP. Thanh Hóa, đáng chú ý nhất là gần 10.000m2 đất mặt đường Lê Hoàn dưới nhiều hình thức khác nhau đã từng được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết cách đây không lâu.

Bên cạnh đó, vào tháng 9/2020, liên danh Đông Bắc cùng với Công ty CP Tập đoàn Tecco là 1 trong 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án khu đô thị phía Bắc quy mô 25 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 1.205 tỷ đồng tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, TP. Thanh Hóa.

Đến ngày 30/11/2020, công ty này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao 59.366,8 m2 để thực hiện dự án Khu dân cư Bắc Sơn 1 tại phường An Hưng và xã Đông Tân, TP. Thanh Hoá (đợt 1).

Trước đó, vào năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt đề xuất dự án trường THPT Nguyễn Trãi TP. Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) của Đông Bắc với tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 78 tỷ đồng.

Quỹ đất dùng để thanh toán cho Đông Bắc chính là khu đất của Trường THPT Nguyễn Trãi, diện tích 5.197m2 và khu đất của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thanh Hóa, có diện tích 1.104m2. Tổng diện tích 6.301m2.

Ba lần chạy đua đất vàng

Là doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa song Đông Bắc lại khá kín tiếng, chỉ sau vụ việc CTCP Nakama Việt Nam - công ty con của Công ty Đông Bắc bị hủy kết quả trúng đấu giá 375 lô đất vàng, thuộc quy hoạch 3241 ở phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa, dư luận mới bắt đầu biết nhiều hơn đến doanh nghiệp của vợ chồng doanh nhân Mai Thị Thắm.

Cụ thể, vào tháng 9/2017, mặt bằng 3241 được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra đấu giá lần đầu với giá khởi điểm là 434,3 tỷ đồng. Đơn vị trúng đấu giá khi đó là CTCP Nakama Việt Nam. Đáng chú ý, giá trúng đấu giá chỉ chênh lệch hơn 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Dự án này sau đó bị Sở Tư pháp Thanh Hoá kết luận vi phạm hồ sơ, thủ tục đấu giá và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Vào tháng 9/2018, lần đấu giá thứ 2 mặt bằng được diễn ra. Lúc này, CTCP Nakama Việt Nam đã được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng ADI, liên danh với CTCP Bất động sản Đại Lộc để trở thành một trong 4 nhà đầu tư được tham gia đấu giá.

Cuộc đấu giá liên tiếp bị lùi thời hạn. Đến ngày 26/9/2019, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa, 375 lô đất vàng TP Thanh Hóa đã được đem ra đấu giá lần 3. Lần này, Liên danh CTCP đầu tư và xây dựng ADI - CTCP Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với 1.215 tỷ đồng, so với giá khởi điểm là 548,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 5/11/2020 liên doanh này chỉ mới nộp được số tiền hơn 144 tỷ đồng (bao gồm cả tiền đặt cọc). Do vậy, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư nộp đầy đủ số tiền sử dụng đất còn nợ đọng và các khoản phải nộp khác theo quy định vào ngân sách trước ngày 25/11/2020.

Trong trường hợp chủ đầu tư không chấp hành nộp đầy đủ tiền đấu giá vào ngân sách, UBND tỉnh sẽ hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật. Chủ đầu tư không được tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án trên địa bàn tỉnh.

Trước đó vào tháng 10/2019, ADI cũng đã liên danh với CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế kỷ để thực hiện dự án Khu dân cư mới Diêm Phố quy mô 25,8ha tại xã Hưng Lộc, huyện Minh Lộc, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 511,4 tỷ đồng. Đây cũng là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án này. Ngoài ra, ít ai biết, ADI còn là chủ đầu tư hai dự án khác là chợ Đông Thành và chợ Trường Thi tại TP.Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư và Xây dựng ADI, tiền thân là CTCP Nakama Việt Nam, được thành lập vào ngày 7/2/2007, trụ sở chính được đặt tại số 25/38 Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa.

Thời điểm ban đầu, Nakama Việt Nam có số vốn điều lệ là 250 tỷ đồng và Chủ tịch HĐQT là bà Mai Thị Thắm. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, công ty này đã đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng ADI. Đồng thời, tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng và thay Chủ tịch HĐQT.

Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (12/11/2019), công ty có số vốn điều lệ 700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được đề cập. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1989), Chủ tịch HĐQT là Hoàng Tuấn Anh (SN 1983).

Lưu ý rằng, ADI chỉ là một mảnh ghép trong hệ sinh thái liên quan đến bà Mai Thị Thắm bên cạnh những pháp nhân như Doanh nghiệp TN Trung Phương, Công ty TNHH Dịch vụ và bất động sản Đông Bắc, CTCP Chợ Bỉm Sơn... Bên cạnh đó còn có thể kể đến những doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Chiến đứng tên như CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Quang Hưng, CTCP Năng lượng Nam Thanh hay CTCP Đầu tư và phát triển Sơn Thái Bắc Giang.

Ngoài kinh doanh chợ, bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Đông Bắc còn mở rộng sang lĩnh vực vận tải và thẩm mỹ với thương hiệu Hoa Sen Spa.

Đông Bắc Group làm ăn ra sao?

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Đông Bắc Group (công ty mẹ) luôn duy trì trên mức 100 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2017 với 123,3 tỷ đồng. Riêng năm 2019, doanh thu thuần đạt 119,6 tỷ đồng, dẫu vậy lợi nhuận thuần tương ứng lại khá khiêm tốn với chỉ 141 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Đông Bắc ở mức 886,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 789,4 tỷ đồng.

Về phần mình, dù là doanh nghiệp tiên phong trong các dự án của Đông Bắc, song chỉ tiêu kinh doanh của ADI lại không đáng kể. Doanh thu thuần của công ty này đạt đỉnh vào năm 2019 với 3,7 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tương ứng ở mức 31 triệu đồng.

Tác giả: KHÁNH AN - VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

  Từ khóa: Đông Bắc Group , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok