|
Xã cấm dân bán mía
Gần đây, trên những con đường dẫn ra ruộng mía của dân tại các thôn Vọng Thủy, Đa Đụn, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều tấm biển với dòng chữ: “Ban chỉ đạo mía xã Thành Trực CẤM BÁN MÍA khi chưa được phép của ban chỉ đạo”.
Người dân địa phương cho biết, những tấm biển “CẤM BÁN MÍA” này do UBND xã Thành Trực cắm. Mục đích là để “cấm” người dân tự ý bán mía cho thương lái, giữ mía lại cho nhà máy đường đóng tại địa phương. Việc này tạo ra một số thiệt thòi cho người dân trồng mía, một số hộ dân có nhu cầu bán mía đã đến thời kỳ thu hoạch rất bất bình.
Bà Bùi Thị Thản, trú tại thôn Đa Đụn, xã Thành Trực cho biết, vụ mía năm nay gia đình bà trồng 8 sào mía trên đất được nhà nước giao sử dụng hợp pháp. Gia đình bà Thản không có hợp đồng liên kết, không nhận đầu tư của công ty mía đường, nhưng lại bị UBND xã Thành Trực cấm bán mía ra ngoài cho thương lái, buộc phải bán mía cho công ty mía đường đóng trên địa bàn huyện.
Bà Thản chỉ cho PV tấm biển "Cấm bán mía" do xã Thành Trực cắm tại thôn Đa Đụn. |
Theo bà Thản, hiện tại các ruộng mía của gia đình đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng Công ty mía đường Việt Nam - Đài Loan (gọi tắt là nhà máy) chưa thu mua.
Các năm trước, nếu bán cho nhà máy người dân phải tự chặt, bốc mía, phải thử độ đường, tiền phải thanh toán qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nên mất nhiều thời gian.
Đối với những ruộng mía tái trồng từ vụ 2-3, đến kỳ thu hoạch nếu không kịp thời bán thì cây mía sẽ bị khô, trổ hoa và giảm năng suất, chất lượng.
Một người dân trú tại thôn Đa Đụn, xã Thành Trực xin được dấu tên bức xúc nói: “Gia đình tôi trồng mía nhiều năm nay. Vụ này gia đình tôi trồng khoảng 1ha mía trên đất được nhà nước giao, tôi không ký hợp đồng và không nhận đầu tư của nhà máy, nhưng lại bị xã cấm bán mía là tài sản do chúng tôi làm ra. Việc này rất vô lý”.
Nhiều hộ dân khác trú tại thôn Đa Đụn, Vọng Thủy, xã Thành Trực không đồng tình, thậm chí bất bình khi PV đề cập tới việc UBND xã “cấm bán mía”. Tuy nhiên, theo họ vì “sợ va chạm” nên không muốn trả lời báo chí và đành chấp nhận.
Người dân xã Thành Trực trao đổi với PV liên quan tới việc xã "Cấm bán mía". |
Theo quan sát của PV, ngay đầu con đường nội đồng dẫn ra ruộng mía của dân tại các thôn Đa Đụn, Vọng Thủy đều có những tấm biển màu đỏ với dòng chữ “Ban chỉ đạo mía xã Thành Trực CẤM BÁN MÍA khi chưa được phép của ban chỉ đạo”.
Một hộ dân tại thôn Vọng Thủy không chấp hành “lệnh cấm” của xã, tự ý bán mía do mình trồng cho thương lái đã bị xã “đưa xe mía” về ủy ban xã để lập biên bản (?!).
Người dân không muốn bán mía cho nhà máy vì giá mua vào thường thấp hơn thương lái, dân phải mất tiền chặt và bốc mía lên xe, việc thanh toán phải qua trung gian là HTX dịch vụ nông nghiệp nên thường kéo dài … Ngoài ra, nếu bán cho nhà máy thì phải đo độ đường và bị trừ tạp chất trên mỗi tấn mía.
Theo người dân, việc trồng mía là “lấy công làm lãi”, nếu được mùa vụ đầu tiên chỉ lãi từ 500.000 đến 1 triệu đồng/sào, các vụ sau chăm sóc tốt sẽ cao hơn.
HTX nông nghiệp và giám đốc từng chiếm dụng tiền mía của dân
Vụ mía 2017 – 2018, các hộ dân trồng mía trên địa bàn xã Thành Trực bán mía cho nhà máy mía đường Việt Nam – Đài Loan thông qua HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thành Trực. Tuy nhiên, khi nhà máy trả tiền cho dân thông qua tài khoản hợp tác xã thì bị hợp tác xã và cá nhân giám đốc chiếm dụng. Sau nhiều năm, nhiều lần viết đơn khiếu kiện thì hiện tại hàng chục hộ dân vẫn chưa nhận được tiền bán mía của mình.
PV Người Đưa Tin trực tiếp tới trụ sở UBND xã Thành Trực liên hệ gặp lãnh đạo xã này để xác minh thông tin, làm rõ sự việc xã cắm biển cấm dân bán mía.
Trao đổi qua điện thoại, khi PV đặt vấn đề, xin làm việc với Phó chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực thì ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực phủ nhận thông tin việc xã cắm biển “cấm dân bán mía”. Ông Long nói: “Em đọc lại biển đi rồi hãy đến xã làm việc”!?
Biển "cấm bán mía" được cắm trên đường nội đồng dẫn ra ruộng mía. |
PV tiếp tục liên hệ với ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực. Khi chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh việc xã cắm biển cấm dân bán mía tại đường dẫn xuống ruộng thì ông Mậu thừa nhận sự việc này là đúng thực tế.
Theo ông Mậu, thôn Đa Đụn và Vọng Thủy có khoảng 135 ha mía và đây là vùng nguyên liệu của nhà máy mía đường Việt Nam – Đài Loan.
Đầu vụ mía 2022-2023, sau khi lấy ý kiến của các hộ dân, địa phương đã ký hợp đồng với nhà máy về việc bao tiêu nguyên liệu. Ông Mậu thừa nhận, mía được dân trồng trên đất nhà nước giao hợp pháp, một số hộ dân tự trồng, không nhận sự đầu tư của nhà máy.
Mục đích UBND xã Thành Trực cắm biến “CẤM BÁN MÍA” là để cung cấp đủ nguyên liệu theo hợp đồng đã ký với nhà máy và đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người trồng mía trên địa bàn xã.
Ông Mậu thừa nhận, nếu bán mía cho nhà máy thì giá thường thấp hơn thương lái thu mua, dân còn phải bỏ tiền chặt và bốc lên xe, mía phải đạt độ đường theo quy định và việc thanh toán phải qua HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thành Trực.
Theo ông Mâu, vụ mía 2017 – 2018, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thành Trực do ông Trần Bá Nam làm giám đốc là trung gian mua bán mía giữa hộ dân trồng mía và nhà máy.
Vụ mía này, nhà máy đã trả hết tiền cho dân thông qua hợp tác xã. Tuy nhiên, hợp tác xã và cá nhân ông Nam đã chiếm dụng của gần 40 hộ dân, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, ông Nam và hợp tác xã đang nợ dân khoảng 500 triệu đồng.
Một số hộ dân đã khởi kiện vụ án dân sự ra tòa và được thanh toán tiền bán mía, hơn 20 hộ còn lại, trong quá trình xét xử, TAND huyện Thạch Thành xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ quan Công an huyện Thạch Thành để giải quyết.
Ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực thừa nhận, những tấm biển “CẤM BÁN MÍA” là do cán bộ văn hóa đặt in và cắm.
Mía do dân trồng trên đất được giao, hộ không liên kết, không nhận đầu tư của nhà máy mía đường thì là tài sản của người dân và họ có quyền định đoạt, việc xã “cấm bán mía” là chưa phù hợp và sẽ xem xét lại.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết, Ông sẽ chỉ đạo UBND huyện kiểm tra, xác minh thông tin trên.
Tác giả: Xuân Chinh - Văn Thế
Nguồn tin: nguoiduatin.vn