Trong tỉnh

Thanh Hóa: Công ty mía đường Lam Sơn thi công DA trăm tỷ khi chưa đủ pháp lý

Dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng công ty CP mía đường Lam Sơn vẫn tiến hành thi công Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Gần đây, Diễn đàn pháp luật nhận được thông tin phản ánh liên quan đến việc công ty cổ phần mía đường Lam Sơn triển khai thi công dự án Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa khi chưa đảm bảo thủ tục pháp lý (chưa được thuê đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa có đề án bảo vệ môi trường...) nhưng đã triển khai việc xây dựng và hoàn thiện xong 1 trạm điện, 1 nhà bảo vệ, 2 nhà xưởng chính và lắp đặt máy móc đưa vào hoạt động.

Dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa do công ty CP mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư thi công khi chưa đủ thủ tục pháp lý.


Dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn có quy mô 9,63ha với tổng mức đầu tư là 205 tỷ đồng được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1170/QĐ-UBND vào ngày 05/4/2018. Quy mô nhà máy gồm: Nhà xưởng, nhà kho, xưởng ép, văn phòng, nhà giới thiệu sản phẩm. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự tính công suất sấy là 1.800 tấn lúa gạo/ngày, sản xuất 100.000 tấn sản phẩm/năm, chế biến 10.000 tấn nông sản/năm. Tại quyết định số 1170 của UBND tỉnh Thanh Hóa có nêu: "Công ty mía đường Lam Sơn có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và thực hiện việc ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định".

Thế nhưng, thay vì chờ đợi để hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định thì công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã “vội vã” thi công dự án khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất cũng như các loại giấy phép khác theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến những vấn đề sai phạm của công ty CP mía đường Lam Sơn tại dự án này, PV đã liên hệ và làm việc với UBND xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa. Tại buổi làm việc, ông Hoàng Ngọc Linh – Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú thừa nhận: “Địa phương chưa hề nhận được hồ sơ pháp lý cũng như các giấy tờ liên quan đến dự án Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao. Vừa qua, xã cũng đã phối hợp với huyện để lập biên bản đối với sai phạm của đơn vị. UBND huyện đã có quyết định xử phạt vị phạm, hồ sơ và quyết định đều lưu ở huyện”.

PV đã liên lạc và làm việc với UBND huyện Thiệu Hóa, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn của công ty CP mía đường Lam Sơn mới được chấp thuận chủ trương, chưa xong thủ tục thuê đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án này được tỉnh chỉ đạo là công trình gấp rút xây dựng để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND huyện cũng đã đôn đốc, hướng dẫn đơn vị hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Phía công ty cũng rất tích cực trong việc hoàn thiện thủ tục để thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại ở dự án này là còn 02/57 hộ dân (chủ đất) chưa ký được hồ sơ bàn giao đất với lý do 01 hộ đang ở nước ngoài và 01 hộ có người bị bệnh, mất năng lực hành vi dân sự.

Cũng tại buổi làm việc, ông Phúc cung cấp cho phóng viên quyết định xử phạt vi phạt hành chính số 4477/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 và cho biết: "UBND huyện đã thẩm định phê duyệt quy hoạch cho dự án, trước khi thẩm định phê duyệt quy hoạch thì huyện vẫn xử lý vi phạm hành chính đối với sai phạm của Công ty khi thực hiện dự án".

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty CP mía đường Lam Sơn.


Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, công ty cổ phần mía đường Lam Sơn bị xử phạt ở mức 17.500.000 đồng (mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng) về nội dung: “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Khởi công xây dựng công trình Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công công trình được phê duyệt”.

Nhận thấy nội dung sai phạm của công ty CP mía đường Lam Sơn nêu tại quyết định không thể hiện việc đơn vị sử dụng đất sai mục đích, PV đã đặt câu hỏi: đối với sai phạm về viêc đơn vị chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã thực hiện dự án và đưa vào hoạt động thì địa phương đã có xử lý gì chưa? ông Phúc từ chối trả lời và cho rằng: “việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là thẩm quyền của tỉnh”.

Tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.


Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: N.Sơn

Nguồn tin: phapluatnet.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok