Theo đó, Vietcombank sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phiếu SaigonBank đang sở hữu, tương đương 4,3% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng chào bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), tương đương 10,91% vốn với giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần.
Với mức giá khởi điểm trên, Vietcombank dự kiến thu về 165,66 tỷ đồng với khoản đầu tư tại SaigonBank và 76,22 tỷ đồng tại CFC. Tính đến 31/12/2016, giá trị sổ sách của hai khoản đầu tư trên lần lượt là 123,45 tỷ đồng và 70,95 tỷ đồng. Ước tính, phần chênh lệch khoảng 47,5 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn tại hai khoản đầu tư này đã được Vietcombank đề cập tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Theo quy định, một tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 2 tổ chức tín dụng.
Vietcombank dự kiến thu về 165,66 tỷ đồng với khoản đầu tư tại SaigonBank và 76,22 tỷ đồng tại CFC. |
Theo báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của SaigonBank đã tăng trưởng khá trong các năm gần đây và đạt 128 tỷ đồng lãi ròng sau nửa đầu năm 2917. Vốn điều lệ của nhà băng này là 3.080 tỷ đồng.
CFC hiện có vốn điều lệ hơn 650 tỷ đồng; trong đó, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) là cổ đông lớn nhất sở hữu 39%. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) sở hữu 16%, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng sở hữu 10%.
Tổng nguồn vốn của công ty tài chính này đến cuối quý II/2017 đạt 1.988 tỷ đồng; Trong đó, hơn 1.021 tỷ đồng đến từ vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, cho vay mà tổ chức tín dụng chịu rủi ro.
Lũy kế nửa đầu năm 2017, CFC chỉ thu về 5 tỷ đồng. Nguồn thu chính của công ty tài chính này đến từ thu nhập lãi thuần gần 42 tỷ đồng.
Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu 8,19% vốn tại Eximbank; 7,16% vốn tại MBB và 5,07% vốn tại OCB.
Trước đó, trao đổi về kế hoạch thoái vốn tại các tổ chức tín dụng, chia sẻ với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng, trong đó có 3 đơn vị có tỷ lệ sở hữu vượt quá mức quy định 5% của NHNN.
Trong đó, cơ bản phần lớn là tại MBBank và Eximbank. Theo đánh giá của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, MBBank là đơn vị kinh doanh tương đối hiệu quả và hàng năm Vietcombank đều nhận được cổ tức từ hoạt động đầu tư.
Còn với Eximbank, trong thời gian tới Vietcombank sẽ tiếp tục đề xuất Ngân hàng Nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng này, nếu thành công có thể đem lại lợi nhuận trên 700 tỷ đồng.
Tác giả: An Hạ
Nguồn tin: Báo Dân trí