Nhiều khách hàng cho rằng các quy định của Vietcombank đang đẩy trách nhiệm cho người dùng khi giao dịch online - Ảnh: T.T.D. |
Nổi bật trong quy định mới này là những điều khoản quy định về “nghĩa vụ bảo mật” buộc khách hàng phải tuân thủ khi sử dụng dịch vụ của Vietcombank.
Điều kiện ngặt nghèo
Theo điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ mới của Vietcombank (sẽ có hiệu lực từ ngày 10-5-2017), khách hàng có nghĩa vụ phải thực hiện một số điều khoản bảo mật như: “phải giữ bí mật các yếu tố định danh của mình, phòng tránh và ngăn chặn việc sử dụng trái phép các yếu tố định danh đó (yếu tố định danh bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu...)”.
Khách hàng của Vietcombank cũng bị giới hạn khá mạnh khi ngân hàng này yêu cầu không khai báo bất cứ chi tiết nào của các yếu tố định danh... khi sử dụng dịch vụ trên các ứng dụng, website không chính thống mà không được Vietcombank thông báo trên website của ngân hàng này. Đặc biệt, Vietcombank đề nghị khách hàng “phải chịu trách nhiệm” đảm bảo rằng thiết bị như điện thoại, máy tính... khi sử dụng được bảo vệ chắc chắn khỏi virút và các phần mềm máy tính gây hại.
Ngoài ra, khách hàng cũng không được truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN), nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng.
Nhiều người dùng cho rằng Vietcombank đang tìm cách đùn đẩy trách nhiệm các sự cố giao dịch cho khách hàng bằng quy định nghĩa vụ bảo mật mới. Như anh Nguyễn Đức N. (Hà Nội) cho rằng nếu áp dụng, khách hàng của Vietcombank sẽ mất quyền tự do và quy định của ngân hàng này chủ yếu nhằm... tránh trách nhiệm.
Chuyên gia cũng thấy... khó
Tuổi Trẻ trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hồng Văn, phó viện trưởng Viện công nghệ an toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin VN:
* Nhiều người cho rằng Vietcombank đang tìm cách đùn đẩy trách nhiệm của mình về phía khách hàng, với tư cách là một chuyên gia an ninh mạng, ông thấy thế nào?
- Trong quy định mới của Vietcombank có nói khách hàng phải đảm bảo thiết bị mình sử dụng để kết nối với dịch vụ của Vietcombank phải chắc chắn không có virút... Thế nhưng lượng mã độc trên toàn thế giới hiện nay đã vượt quá 100 triệu mẫu và ngày càng tăng lên nhanh chóng. Ngay cả đối với các chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay, việc tạo ra một chiếc máy không bao giờ nhiễm virút đã là rất khó, làm sao những người dùng bình thường có thể đảm bảo thiết bị mình đang sử dụng luôn sạch sẽ, không có virút?
Rồi quy định người dùng phải đảm bảo hệ thống mạng LAN của mình không bị ai đó theo dõi... cũng là quá khó với người dùng. Nhiều người dùng bình thường chưa chắc hiểu và phân biệt được mạng LAN là gì, chứ đừng nói đến chuyện đảm bảo không có ai theo dõi. Ngay cả chuyên gia an ninh mạng khi kết nối tại công ty hay quán cà phê... cũng không thể biết có bị theo dõi không. Đó là một quy định siêu khó đối với người dùng.
* Theo ông, người dùng nên làm gì?
- Thực tế hiện nay, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với các nhà cung cấp đều rất ít khi chịu khó đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Do đó, người dùng nên làm rõ những “nghĩa vụ bảo mật” trước khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. Hoặc họ có thể tìm hiểu thêm quy định của các ngân hàng khác để so sánh, cân nhắc xem ngân hàng nào có quy định phù hợp với mình.
Vietcombank giành quyền chuyển giao thông tin của khách? Theo quy định mới của Vietcombank, ngân hàng này đưa thỏa thuận: khách hàng công nhận và đồng ý rằng Vietcombank sẽ sử dụng, lưu trữ, chuyển giao và/hoặc trao đổi thông tin khách hàng cho những cá nhân/tổ chức theo quy định của pháp luật… Vietcombank cũng đề nghị khách hàng đồng ý ngân hàng có thể chuyển giao bất kỳ chi tiết hoặc thông tin của dịch vụ liên quan cho đối tác thứ ba… |
Tác giả: Đức Thiện
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ