Trong tỉnh

Vì sao cần đề án phát triển riêng cho Thanh Hoá?

Ban Kinh tế Trung ương đã và đang tích cực cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá hoàn thiện việc xây dựng Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài các thành phố lớn, Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên trong cả nước được chọn xây dựng đề án phát triển riêng. Vì sao cần một đề án riêng cho Thanh Hoá?

Ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo khoa học về phát triển Thanh Hoá, ngày 4.7. Ảnh: X.H

Làm rõ vấn đề này, tại hội thảo khoa học về phát triển Thanh Hoá, ngày 4.7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, cho đến nay, Thanh Hoá chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh đó.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong 10 năm qua, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Với các kết quả đạt được; các tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh; mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ có ý nghĩa đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh.

Ông Trịnh Văn Chiến: "Đây là lúc cần thiết Thanh Hóa phải định vị lại chính mình trong sự phát triển chung của vùng và cả nước". Ảnh: X.H

Còn theo ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 218, với những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay thì đây là lúc cần thiết Thanh Hóa phải định vị lại chính mình trong sự phát triển chung của vùng và cả nước để thực hiện được hai việc. Thứ nhất là Thanh Hóa phải cố gắng lo cho chính mình và thứ hai là Thanh Hóa phải đóng góp xứng đáng cho Trung ương như đã đóng góp rất to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ trước đến nay.

Theo ông Trịnh Văn Chiến, điều kiện và thời cơ để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc đã chín muồi, nhưng để thực hiện được điều đó thì Thanh Hóa rất cần có đường hướng và cơ chế chính sách đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của một địa phương mà dư địa cho phát triển còn rất lớn.

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban chỉ đạo 218 về phát triển Thanh Hoá, cho rằng, Thanh Hóa đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau.

Đặc biệt, Thanh Hóa có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có đầy đủ 3 vùng địa lý: Đồng bằng, ven biển, vùng núi; là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 toàn quốc và dân số đứng thứ 3; lực lượng lao động có 2,4 triệu người...

Thanh Hóa đang có những thuận lợi trong kết nối phát triển với các tỉnh, thành khác, các trung tâm kinh tế khác, cũng như trong thu hút đầu tư. Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển cả nước, có những ưu đãi rất cao. Một số cơ sở hạ tầng quan trọng của tỉnh đã được xây dựng. Đặc biệt, tỉnh có cảng nước sâu và cảng hàng không quốc tế.

Thanh Hóa luôn được coi là hậu phương của cả nước, được kỳ vọng là một tỉnh kiểu mẫu của cả nước.

Ông Võ Hồng Sơn: Cần một cơ chế đặc biệt để Thanh Hoá phát triển thực sự trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Ảnh: X.H

Ông Võ Hồng Sơn và nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đều cho rằng, để khắc phục những khó khăn đồng thời phát huy được hết thế mạnh của Thanh Hoá, rất cần có một đề án riêng cho phát triển Thanh Hoá, rất cần có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy Thanh Hoá phát triển nhanh, mạnh, toàn diện hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Bình cho hay, với những lý do quan trọng đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Chính trị chọn ban hành Nghị quyết, ngoài các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tác giả: Xuân Hùng

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok