Trong tỉnh

Cơ chế đặc thù để Thanh Hoá thành trung tâm công nghiệp lớn

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng Đề án phát triển tỉnh Thanh Hóa để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.

Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp

Ngày 4/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.

Xây dựng Nghị quyết phát triển Thanh Hóa.



Ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua, mặc dù so với tiềm năng chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Với các kết quả đạt được; các tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh; mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.

Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển,... Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm.

Dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp. Trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh.

Với đặc thù đất rộng, người đông, Thanh Hóa cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của tỉnh.

Điểm lại kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân ước đạt 10,3%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong nhóm dẫn đầu cả nước; đã khởi công xây dựng và hoàn thành nhiều dự án lớn, đặc biệt là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động từ năm 2018, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đề nghị cho phép tỉnh Thanh Hóa được thực hiện một số cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách

Nghị quyết riêng, cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa

Khái quát về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, TS. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP của Thanh Hóa đã tăng từ 22,3% (2011) lên 32,4% (2019) và dự kiến đạt mức 35% vào năm 2020. Đây được coi là mức cao (cả về tỷ lệ và tốc độ tăng) so với các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung (đứng thứ hai, sau Hà Tĩnh: 39,1%), nhưng chỉ tiêu này không phản ánh trình độ công nghiệp hóa của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng.

Đánh giá doanh nghiệp tư nhân tỉnh Thanh Hoá, ông Đào Xuân Trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Mặc dù tốc độ tăng trưởng cao về số lượng doanh nghiệp nhưng số lao động trong các doanh nghiệp Tỉnh Thanh Hoá trong từng năm tăng không tương xứng, chỉ tăng khoảng 12% đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân số lao động chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50% tổng số lao động trên toàn tỉnh) và những năm gần đây không tăng và có xu hướng giảm. Chính sự suy giảm quy mô doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, nơi chiếm đến 96% về số lượng doanh nghiệp Tỉnh cho thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân trong số này có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, ông Vũ Danh Hiệp, Phó Vụ trưởng, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và thành phố Đà Nẵng (nếu có), đề nghị cho phép tỉnh Thanh Hóa được thực hiện một số cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách phù hợp với khả năng của Tỉnh trong giai đoạn từ sau năm 2023 hoặc sau năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế của các Thành phố trên. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung một số cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Chiều cùng ngày (4/7), ông Nguyễn Văn Bình đã tham dự và chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.

Tác giả: H.Duy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok