Uzbekistan - đối thủ của U23 Việt Nam trong trận chung kết lịch sử, là nước đông dân nhất ở Trung Á, phần lớn người dân sống ở các vùng nông thôn. Tại đây, mặc dù pháp luật nghiêm cấm nhưng kể từ những năm 1990, ngày càng nhiều nam giới cố lấy nhiều vợ. Theo Musawah, đó là hệ quả của việc phần lớn dân số theo đạo Hồi (gần 80%) và khoảng cách giàu nghèo rộng hơn.
Dilfuza, nhân viên ngân hàng, là một phụ nữ hiện đại, thành công và được nhiều người tôn trọng, thậm chí ghen tỵ. Nhưng không ai ngờ, đằng sau vẻ quý phái của chị là một cuộc sống gia đình phức tạp. "Tôi gặp chồng ở nơi làm việc. Anh ấy rất chiều chuộng tôi. Sau một thời gian quen biết, anh hỏi tôi làm vợ hai", Difuza kể.
Ban đầu, chị cảm thấy bị xúc phạm với lời cầu hôn kia nhưng người đàn ông ấy vẫn kiên nhẫn theo đuổi. Anh ta nói vợ mình ốm yếu và không phản đối chồng có thêm vợ. Dilfuza nằng nặc đòi gặp người vợ và không tin có người phụ nữ nào lại chấp nhận để chồng có vợ hai. "Nhưng khi gặp chị ấy, hóa ra việc đó lại là thật", cô kể.
Chị đã cưới người đàn ông ấy theo truyền thống đạo Hồi nhưng không đăng ký kết hôn. Họ tổ chức tiệc cưới theo phong cách hiện đại và đã chung sống 7 năm.
Một đám cưới ở Uzbekistan. Ảnh minh họa: Globaltableadventure. |
Omina Karimova là một luật sư gia đình và bà tin rằng đa thê là một bi kịch và không thể được biện hộ bởi nguồn gốc lâu đời của nó.
"Cuộc hôn nhân thứ hai đơn giản là cuộc ngoại tình. Các bên thực hiện một nghi lễ kết hôn theo đạo Hồi. Thường người vợ cả không hề biết chồng có 'phòng nhì'. Liệu có người phụ nào muốn chồng cưới vợ nữa?", luật sư nói.
Nhà báo và nhà văn Marfua Tohtahojaeva, người đã nghiên cứu về quyền phụ nữ tại Uzbekistan thì tin rằng cả nam giới lẫn phụ nữ đều phải có trách nhiệm trong việc chế độ đa thê phổ biến trở lại ở đất nước này.
Bà tin rằng nhiều phụ nữ chỉ muốn ổn định cuộc sống với những người đàn ông giàu có. Và những người đàn ông kiếm tốt tiền này thì lại muốn thỏa mãn sự ích kỷ cá nhân bằng việc có thêm vợ.
"Một số đàn ông nhiều tiền có tới vài vợ", Nodira Azizova, phát ngôn viên hội phụ nữ một quận ở thành phố Tashkent nói với tờ Caravanserai. "Một số trường hợp tổ chức ngang nhiên, một số khác nhờ thầy tế thực hiện nghi lễ trong bí mật", bà nói.
Ở Uzbekistan, người ta không thích nói về chế độ đa thê, phần nhiều còn giả vờ như tình trạng đó không hề tồn tại. Và dường như xã hội gia trưởng ở đất nước này khoan dung với những người vợ hai hơn là phụ nữ đã ly hôn hay độc thân.
Chưa có thống kê chính thức nào tại nước này về việc có bao nhiêu nam giới có hai vợ trở lên. Những trường hợp đàn ông đi làm xa, ra nước ngoài và lấy thêm vợ có thể bắt gặp ở hầu hết các thị trấn, làng mạc ở Uzbekistan. Điều lạ là vấn đề này hầu như chưa bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương.
Jalil Buriyev rời Uzbekistan đến Nga từ 20 năm trước, khi mới 18 tuổi. Anh làm nghề đốn gỗ tại Abakan, thủ đô nước cộng hòa Khakassia của Nga, và kiếm tiền khá tốt.
Mặc dù đã có vợ ở quê nhà, Jalil vẫn cưới thêm một cô gái nơi mình làm việc. Người vợ đầu có với anh hai cô con gái phải miễn cưỡng chúc phúc cho chồng.
"Tôi còn có thể làm gì? Chồng tôi đã làm việc bên đó 20 năm và hai năm mới về nhà một lần. Tôi chẳng thể tưởng tượng được là anh ấy sẽ phản bội mình như thế. Tôi đã xin ý kiến thầy tế và ông ấy bảo tôi rằng nếu một người đàn ông có thể chu cấp cho cả hai gia đình thì cứ để anh ấy được tự do và cưới người khác", người vợ cả Sanobar nói với EurasiaNet.
Nếu tôn giáo khá dung túng cho chế độ đa thê, các văn bản pháp luật tại Uzbekistan ghi rõ đa thê hay chung sống với hai người phụ nữ trở lên bị phạt tiền hoặc tới 3 năm tù. Tuy nhiên, tại nước này mới chỉ có hai người phải đối mặt với các hình phạt trên.
Năm 2012, Yakub Normurodov, người đứng đầu ngành giáo dục tại tỉnh Surkhandarya, bị buộc tội đa thê. Và hai năm trước, cảnh sát trưởng tại một thành phố trong nước này cũng bị sa thải vì tội tương tự.
Tháng 6/2017 tổng thống Shavkat Mirziyoyev tuyên bố rằng hệ thống pháp luật mới của Uzbekistan cần kịch liệt chống lại chế độ đa thê. "Để ngăn cản hành vi phi pháp này, chúng ta cần soạn ra một dự thảo. Mọi nam giới thực hiện nghi thức cưới hỏi mà không ai chứng kiến hay không có giấy tờ đăng ký kết hôn sẽ bị phạt", Mirziyoyev nói.
Ông cho rằng, nếu hiện tượng đa thê tồn tại khắp Uzbekistan thì những người đứng đầu về tôn giáo ở các địa phương phải có phần gánh trách nhiệm.
Tác giả: Vương Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress