Thể thao

U-23 Việt Nam dễ gây sốc nhất vì... thành tích kém nhất

AFC điểm mặt U-23 Việt Nam là đội có thành tích kém nhất bảng D. Nhưng khi không phải chịu áp lực, biết đâu U-23 Việt Nam sẽ gây "địa chấn" tại vòng chung kết U-23 châu Á.

Còn bốn ngày nữa, vòng chung kết U-23 châu Á khai mạc (ngày 9-1), LĐBĐ châu Á (AFC) vừa lần lượt giới thiệu “lý lịch trích ngang” từng đội của mỗi bảng đấu.

Ở bảng D, nhìn vào thì U-23 Việt Nam có lai lịch kém, chưa ấn tượng nhưng hy vọng rằng “quá khứ không làm nên hiện tại”. Hãy thử điểm qua các đối thủ mà U-23 Việt Nam sẽ đối mặt.

Thành tích U-23 Việt Nam tại vòng chung kết châu Á là kém nhất bảng D.

Thứ tự những đối thủ này cũng lần lượt gặp U-23 Việt Nam vào các ngày 11, 14 và 17-1.

+ U-23 Hàn Quốc: Đây là đội có thành tích tốt nhất bảng D. U-23 Hàn Quốc góp mặt tại vòng chung kết này với tư cách vô địch bảng I thi đấu tại TP.HCM hồi tháng 7 năm ngoái. Họ cũng là đương kim á quân của giải.

Hai năm trước trong trận chung kết gặp U-23 Nhật, U-23 Hàn Quốc dẫn trước 2-0 cùng một thế trận lấn lướt nhưng họ đã để các “chiến binh Samurai” trẻ ngược dòng ghi ba bàn và vô địch.

Năm 2014, U-23 Hàn Quốc vào bán kết khi ở vòng bảng họ chiếm ngôi nhì. Ở bán kết họ thua Iran 0-1, khi tranh hạng ba, U-23 Hàn Quốc đã thua Jordan 2-3 trong loạt luân lưu sau kết quả hòa 0-0 ở giờ thi đấu chính.

U-23 Hàn Quốc hiện là á quân U-23 châu Á.

Trong thành phần U-23 Hàn Quốc dự giải lần này, là đối thủ đầu tiên của U-23 Việt Nam có nhiều gương mặt từng đá vòng loại hồi tháng 7 cùng nhiều tuyển thủ U-20 dự World Cup trẻ vừa qua.

+ U-23 Úc: Góp mặt tại Trung Quốc lần này, U-23 Úc vô địch bảng F vòng loại đá tại Myanmar. Thành tích tốt nhất của U-23 Úc là vào tứ kết năm 2014. Còn tại vòng chung kết hai năm trước ở Qatar thì Úc bị loại ngay sau vòng bảng dù họ cùng bảng với U-23 Việt Nam và đánh bại U-23 Việt Nam (do HLV Miura) dẫn dắt 2-0.

Lúc đó bảng này Jordan và UAE vào tứ kết, còn U-23 Việt Nam ba trận toàn thua chót bảng và Úc một trận thắng, hai trận thua cũng chia tay.

Thành tích tốt nhất của U-23 Úc chỉ là một lần vượt qua vòng bảng năm 2014.

+ U-23 Syria: Có mặt tại Trung Quốc với tư cách đội nhì bảng vòng loại có thành tích tốt (giống U-23 Việt Nam). Thành tích tốt nhất của U-23 Syria là vào tứ kết năm 2014.

Theo như nhận định của AFC thì U-23 Syria sẽ có nguồn cảm hứng từ đàn anh tuyển quốc gia vừa qua khi đoạt vé đá play off vòng loại World Cup 2018 với Úc và chỉ chịu thua 2-3 sau hai lượt trận. Nhiều cầu thủ U-23 Syria đang có biên chế trong đội tuyển quốc gia.

U-23 Syria cũng chỉ một lần vượt qua vòng bảng năm 2014 như Úc.

+ U-23 Việt Nam: Đây là lần thứ hai đội trẻ Việt Nam góp mặt, ở vòng chung kết U-23 châu Á hai năm trước tại Qatar, U-23 Việt Nam toàn thua, thua Jordan 1-3, thua Úc 0-3 và thua UAE 2-3.

Theo nhận định của AFC thì thế hệ U-23 Việt Nam lần này là ấn tượng, được HLV Park Hang-seo của Hàn Quốc dẫn dắt. Ở vòng loại thì U-23 Việt Nam đánh bại Đông Timor 4-0, thắng đậm Macau 8-1. Ở trận cuối cùng vòng loại gặp U-23 Hàn Quốc, trên cái sân Thống Nhất 18.000 cổ động viên Việt Nam cổ vũ nhiệt tình đã giúp U-23 Việt Nam có một trận đấu cực hay và Việt Nam chỉ chịu thua Hàn Quốc 1-2, nhì bảng F.

Văn Toàn và đồng đội sẽ quật khởi tại bảng D.

Tại SEA Games 29 vừa qua, U-23 Việt Nam lại thiếu may mắn khi có ba trận đầu toàn thắng trước Đông Timor, Philippines và Campuchia. Rồi U-23 Việt Nam hòa Indonesia. Trận cuối cùng gặp Thái Lan, Việt Nam đã thua 0-3 và mất cơ hội vào bán kết.

Tuy nhiên, U-23 Việt Nam giờ đây là một thế hệ đồng đều, chín muồi.

Tác giả: DUY ÂN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok