Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tư vấn tuyển sinh tại Thanh Hóa. Ảnh: Website nhà trường |
Qua đó cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của các trường trước mùa tuyển sinh 2024.
Công khai, minh bạch
Từ cuối tháng 12/2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ thông tin về tuyển sinh năm 2024; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơ bản, kỳ thi giữ ổn định cấu trúc bài thi như năm trước. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy, thời gian thi từ 60 - 90 phút (tùy môn học), bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận.
Điểm khác biệt trong kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội so với các trường khác là, chia ra từng môn thi, với 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Cấu trúc các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học ở cấp THPT.
“Dự kiến từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục được tổ chức theo môn thi như hiện nay. Tuy nhiên, nhà trường có điều chỉnh, bổ sung về ngân hàng đề thi nhằm phù hợp định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn thông tin và cho hay, từ thành công của năm 2023, năm nay dự kiến tăng tỷ trọng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và giảm tỷ trọng chỉ tiêu cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp.
Cuối tháng 1, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chính thức phát đi thông báo về tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024. Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển (thi năng khiếu, đánh giá năng lực); kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Công tác phục vụ tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2024 được ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị từ sớm. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Năm nay, dự kiến có 6 đợt thi đánh giá năng lực. Đợt thi đầu tiên được tổ chức vào ngày 23/3, đợt cuối cùng là ngày 2/6, diễn ra tại 17 cơ sở giáo dục đào tạo thuộc 11 tỉnh thành, xa nhất là Hà Tĩnh. Các đợt đăng ký sẽ diễn ra từ ngày 18/2 đến 6/3.
“Năm 2024, chúng tôi giữ nguyên hình thức đăng ký và cách thức tổ chức thi. Tuy nhiên, sẽ tăng quy mô, số lượng thí sinh tham gia dự trong các đợt thi. Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian giữa các đợt thi để thí sinh có điều kiện học tập tốt nhất trước khi quyết định đăng ký dự thi và lựa chọn trường đại học dựa trên kết quả thi của mình”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG |
Tránh “tam sao thất bản”
PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, trường đã tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2024 tại Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An nhằm cung cấp thông tin và giải đáp trực tiếp cho thí sinh về phương thức tuyển sinh, ngành/chương trình đào tạo. Đồng thời tư vấn cho các em cách xét tuyển tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học cũng như tư vấn sâu về các ngành tuyển sinh đào tạo của nhà trường.
Năm 2024, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển hơn 7.600 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm: Xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Mới đây, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức toạ đàm cung cấp thông tin về các ngành đào tạo mới, trình độ đại học dự kiến mở năm 2024. TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho hay, nhà trường tiên phong trong phát triển các chương trình đào tạo đặc thù; trong đó nhiều ngành có tính chất liên, xuyên ngành, chưa có trong danh mục đào tạo cấp IV (trình độ đại học) của Việt Nam. Cụ thể, nhà trường có 21 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; 15 chương trình đào tạo chất lượng cao và 7 chương trình đào tạo định hướng ứng dụng (POHE).
Cũng theo TS Lê Anh Đức - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở mới 5 ngành đào tạo trong lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin vào năm 2024, bao gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. “Nếu phát triển thành công 5 ngành này, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thêm lĩnh vực đào tạo nữa là Toán và thống kê, bổ sung vào 10 lĩnh vực đang đào tạo của nhà trường”, TS Lê Anh Đức cho hay.
Theo các chuyên gia, so với những năm trước, năm nay nhiều trường công bố thông tin sớm hơn. Hoan nghênh sự nhạy bén của các trường, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam so sánh, mọi năm, sau Tết Nguyên đán các trường mới rục rịch phát hành thông tin về tuyển sinh. Tuy nhiên, năm nay có cơ sở đào tạo đã cung cấp thông tin từ cuối năm 2023, thậm chí có trường vừa kết thúc mùa tuyển sinh năm trước đã có kế hoạch tuyển sinh cho năm 2024.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, nhiều cơ sở giáo dục đại học có chiến lược truyền thông bài bản. Theo đó, các thông tin được phát hành chính thống trên website của trường. Có cơ sở đào tạo tổ chức theo hình thức hội thảo, tọa đàm. Cũng có đơn vị xuống tận trường THPT để tư vấn tuyển sinh hoặc mời học sinh THPT lên tham quan, trải nghiệm tại trường đại học. Qua đó, nhằm cung cấp thông tin chính xác, tường minh đến phụ huynh, học sinh; tránh tình trạng “tam sao thất bản”.
Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), tuyển sinh là công việc quan trọng, được các trường triển khai thành nhiều đợt, thậm chí trong cả năm học. Vì thế, trường chủ động công bố sớm về kế hoạch tuyển sinh sẽ giúp thí sinh có thời gian chuẩn bị tâm thế tốt nhất để ứng tuyển. Tuy nhiên, cần truyền thông đầy đủ, chính xác, kịp thời đến thí sinh và phụ huynh. |
Tác giả: Minh Phong
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn