|
Vừa qua, tại một chương trình Tư vấn mùa thi 2024 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn có nên đầu tư cho kỳ thi đánh giá năng lực nhiều hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT không khi mà hiện nay xu hướng các kỳ thi đánh giá năng lực dần trở nên phổ biến và được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các em học sinh cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường rất tốt trong toàn quốc. Do đó, ngoài kỳ thi chung, nếu muốn các em nên lựa chọn thêm 1 - 2 kỳ thi riêng của các trường đại học nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm nay, thí sinh xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên. "Các em thí sinh cứ yên tâm, khi có kết quả học tập tốt nhất định sẽ đỗ vào ngành, trường yêu thích nhất".
Theo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành mới quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Quy chế tuyển sinh hiện hành được ban hành và áp dụng từ năm 2022 tiếp tục có hiệu lực trong năm nay. Bộ GD&ĐT chỉ có những điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Về cơ bản, quy trình xét tuyển vẫn giữ ổn định từ 2023 đến năm nay, vai trò của các trường và Bộ là hỗ trợ thí sinh để thí sinh có quyền lợi tốt nhất.
Ảnh minh họa. |
Về dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ cập nhật thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ để thuận lợi hơn cho học sinh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thông tin thêm: "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến học sinh năm nay. Ở thời điểm này, thí sinh có thể tham khảo các mốc thời gian của năm trước".
Thông tin trên báo Đầu Tư theo đề án tuyển sinh đại học năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu). Như vậy, Đại học Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Thông tin từ một số cơ sở khác cũng cho thấy năm 2024 họ không chọn phương án xét tuyển theo đại học đối với phương án xét tuyển học bạ.
Trong khi đó, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.
Trường Đại học Luật Tp.HCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, 65% chỉ tiêu thông qua phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tổng số chỉ tiêu năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tăng 150 so với năm 2023 do trường mở thêm hai ngành/chương trình đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc (mô hình liên kết 2+2), nâng tổng số ngành và chương trình đào tạo lên thành 52.
Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ. Trong đó, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.
Đáng chú ý theo các chuyên gia giáo dục, việc các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn