Trong bài viết đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Richard Harris, một nhà quản lý đầu tư, đã đưa ra nhận định về những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Phi hiện nay. Ông cũng chia sẻ một câu chuyện cá nhân liên quan tới chủ đề này.
“10 năm trước, tôi có chuyến hành trình về trường học cũ của tôi ở Zimbabwe. Chúng tôi thuê một xe ô tô, một tài xế ở Victoria Falls và đi về phía công viên Chobe Game Park ở Botswana. Khi đến khu vực biên giới, tôi đã hỏi tài xế về những bộ quần áo gần như còn mới mà chúng tôi được nhờ mang tới cho những người dân nghèo Zimbabwe”, ông Harris kể lại.
“Chúng đều là đồ cũ. Nhưng vẫn còn tốt hơn so với thứ rác rưởi từ Trung Quốc. Những thứ đó rách ngay từ lần giặt đầu tiên”, Harris dẫn lại lời tài xế châu Phi nói.
Người châu Phi hiện nay không còn “dễ dãi” như trước đây. Họ biết rõ cái giá phải trả cũng như giá trị của mọi thứ. Họ có khả năng đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn.
Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi, tuy nhiên Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ. Theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi thuộc Đại học Johns Hopkins, Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của châu Phi với khoản tiền cho vay lên tới 136 tỷ USD từ năm 2000.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh việc thâu tóm các tài nguyên thô, đất nông nghiệp và mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo những lo ngại về vấn đề tham nhũng, rác thải cũng như phá hủy môi trường tại châu lục này.
Các nhà lãnh đạo châu Phi rất hào hứng với các dự án đầu tư từ nước ngoài với chi phí thấp để xây dựng mạng lưới đường bộ, đường sắt và hồ chứa. Các nguồn tiền từ nước ngoài giúp đẩy mạnh phát triển và tạo thêm việc làm cho người châu Phi.
Tuy vậy, các công ty Trung Quốc hoạt động tại châu Phi đã mắc phải những sai lầm. Họ mang theo lao động từ Trung Quốc sang châu Phi làm việc, kích động sự giận dữ và bức xúc đối với người châu Phi.
Nguồn tài nguyên tại châu Phi được Trung Quốc khai thác và mua thấp hơn so với giá thị trường do các thỏa thuận hữu nghị giữa các công ty Trung Quốc và lãnh đạo địa phương. Các tài nguyên khai thác bằng máy móc công nghiệp không tạo thêm giá trị cho người dân châu Phi, trong khi các thỏa thuận cho vay có thể tạo ra những khoản nợ khổng lồ khiến các nước châu Phi không đủ khả năng chi trả.
Chỉ tính riêng tại Angola, nước này đã vay Trung Quốc 42,2 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa GDP hàng năm của cả nước. Zambia cũng sẽ sớm phải tái cơ cấu các khoản nợ của mình, trong khi kỳ tích kinh tế của Ethiopia được cho là nhờ vào 4 tỷ USD hỗ trợ của Trung Quốc.
Nguy cơ với Trung Quốc
Để đảm bảo khả năng tiếp cận với các tài nguyên giá rẻ cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi, tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra trong tuần này ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục viện trợ 60 tỷ USD cho “lục địa đen”. Trước đó 3 năm, Trung Quốc cũng đã đưa ra cam kết với số tiền tương tự cho châu Phi. Mặc dù vậy, khoản tiền này vẫn chưa phải là quá lớn. Tổng số tiền mà Trung Quốc dự kiến chi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng khắp các châu lục ước tính từ 4.000-6.000 tỷ USD.
Đầu tư vào châu Phi, Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ thay đổi chính quyền tại các quốc gia trong châu lục. Thay đổi chính quyền có thể kéo theo việc quốc hữu hóa, khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc có thể mất tài sản, không được bồi thường và mất dần ảnh hưởng. Việc Malaysia gần đây đình chỉ dự án trị giá gần 20 tỷ USD do Trung Quốc rót vốn là lời cảnh báo rằng, không có sự đảm bảo vĩnh viễn nào cho các khoản đầu tư của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ rút dần các khoản hỗ trợ dành cho các nước châu Phi có thể sẽ tạo khoảng trống để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên đây được xem là khó khăn chứ không phải cơ hội đối với Bắc Kinh.
Hiện tại, việc mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi khó hơn nhiều so với giai đoạn thế kỷ 19. Theo chuyên gia Richard Harris, tiền chỉ lôi kéo được sự trung thành chừng nào tiền vẫn còn chảy. Xét cho cùng, các quốc gia như Trung Quốc vẫn phải rót nhiều tiền mới có thể tạo dựng được ảnh hưởng ở châu Phi. Như vậy, những tài nguyên giá rẻ mà Trung Quốc khai thác được ở châu Phi hóa ra lại “đắt” hơn so với dự tính.
Các khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc và châu Phi đã đặt ra nhiều nghi vấn về “chủ nghĩa thực dân” kiểu mới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bác bỏ những cáo buộc này. Các nước châu Phi đang chứng kiến Trung Quốc đầu tư, nhưng họ cũng kiểm soát các khoản đầu tư đó. Đối với người châu Phi, bản thân họ cũng nhận được nhiều lợi ích từ Trung Quốc nếu các khoản đầu tư diễn ra đúng hướng.
Theo Financial Times, do một phần sức ép từ người dân trong nước, các chính phủ châu Phi đã lên kế hoạch sử dụng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi như một động lực để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác nhằm tạo thêm nhiều việc làm trong nước, đồng thời chuyển giao kỹ năng lao động và công nghệ từ Trung Quốc sang châu Phi. Điều này đồng nghĩa với việc các nước châu Phi đã ý thức được rằng họ muốn hợp tác ngang bằng với Trung Quốc, chứ không chỉ đơn thuần là một bên cho và một bên nhận.
“Chúng tôi muốn một mối quan hệ chiến lược. Chứ không chỉ là “bạn xây cho chúng tôi một cây cầu và chúng tôi sẽ đưa tiền cho bạn””, Kamissa Camara, cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, nhận định.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí