Trịnh Công Sơn nói đại ý rằng: Tết năm nào cũng vậy, chỉ chừng ấy người bạn đến thăm. Nhưng đi cạnh những người bạn cũ ấy là các cô gái mới. Phải chăng tình bạn vững bền hơn tình yêu?
Chả phải tài hoa như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, mà bình người thường cũng thấy rõ điều này.
Tôi có mấy đứa em chưa vợ, cứ cuộc rượu mới là dắt đến một tình nhân mới. So với độ vững bền thì chắc tình bạn ít biến động, biến cố và có khả năng vững bền hơn tình yêu.
|
Trong những thứ tình trên đời này, tình yêu vừa điên cuồng vừa vĩ đại và cũng là dễ tan vỡ, phản bội, thù hận nhất. Bởi vậy, tình yêu có thể sản sinh ra vĩ nhân, cũng cho ra đời đầy rẫy những kẻ ngốc. Trên đời này có hai thứ dễ mất mạng khi xảy ra tranh chấp, chiến tranh là: đất đai (lãnh thổ) và tình ái. Nhan nhản vụ kiện liên quan đất đai, và đưa nhau ra tòa vì tình, tạt a xít vì tình cũng không hiếm.
Thậm chí anh đại gia với cô hoa hậu mới đây cũng lôi nhau ra tòa sau khi ân ái mặn nồng tưởng chẳng bao giờ rời xa nhau được. Người xưa từng ngửa cổ mà than “hỡi tình là cái chi chi…”.
Mới đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ với người thề non hẹn bể cũng dắt nhau ra tòa sau khi đã có những đứa con, một thương hiệu cà phê và gia tài kếch xù. Ông Vũ đã than giữa tòa: “Tiền nhiều để làm gì?”…Tiền nhiều để làm gì khi nó chính là nguyên nhân của đổ vỡ, tan đàn xẻ nghé.
Các cuộc chiến tranh như thành Troy, đại chiến Xích Bích… cũng nhân danh đủ lý do lớn lao vĩ đại nhưng thực ra chỉ vì một cô gái, vì tình yêu riêng tư của những người đứng đầu. Người ta gọi là vì tình yêu!
|
Khi yêu, mọi ngôn từ đẹp nhất trên đời này đều được thốt ra, mọi thứ không thể đều dệt nên bằng những mộng mơ, ảo tưởng. Càng yêu, cái “Tôi” càng lớn, con quái vật ích kỷ càng trỗi dậy. Cái “Tôi” càng tăng trưởng, sự ích kỷ tăng theo đòi hỏi sở hữu, chiếm đoạt, cưỡng đoạt. Hết yêu, mọi thứ xù xì bắt đầu được kích hoạt, nhỏ thì đòi quà, níu kéo, bất lực, tuyệt vọng thì cho nhau ăn a xít.
Thế mới gọi “Đời là bể khổ. Tình là dây oan”. Một người thầy đã từng khuyên: Tình yêu như cực điện âm và cực dương. Hai cực chạm nhau thì nổ điện, hỏng hết đài, ti vi, bóng đèn... Ở giữa hai cực, ở giữa tình yêu, cần có một “khâu trung gian”. Đó là nhìn về một hướng, đó là chung ý tưởng, chung một điều tốt đẹp… để hai cực ấy không trực tiếp chạm vào nhau.
Có lẽ đúng! Vợ chồng ngồi với nhau, nếu không nói về con cái, về tương lai của chúng để chung sức, chung lòng mà xây đắp, mà chỉ nói về “em yêu anh không, anh yêu em không, nếu không có em, anh có chết không…”, thì chắc chắn cãi nhau, bé thì mày- tao, lớn tí thì bỏ nhà ra đi, lớn hơn nữa thì đốt nhà, lớn nữa thì… chả biết nó đi đến đâu.
Cần nhớ, trong tình yêu, khi hai người không còn yêu nhau nữa, không còn tình yêu nữa thì không đều điều gì để níu giữ, nếu một trong hai người muốn ra đi. Cách tốt nhất là hãy chúc phúc và cảm ơn vì đã đến với nhau trong một đoạn đường đời. Mọi việc trên đời này có hợp thì có tan. Theo duyên, tùy duyên mà thanh thản!
Những vụ trả thù tình bằng a xít, hoặc đoạt mang nhau gần đây đang gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về cách giải quyết sự cố trong tình yêu. Ở ta nên mở nhiều dịch vụ dạy yêu, dạy kỹ năng yêu, dạy kỹ năng xử lý tình huống khi yêu và đặc biệt là dạy cách chia tay có văn minh. Nếu ai mở các lớp dạy yêu, chắc chắn sẽ ăn nên làm ra, ngồi hái tiền mỏi tay!
Tình mẫu tử không bao giờ có những chuyện xảy ra như trong tình yêu, vì cha mẹ yêu con vô điều kiện, sẵn sàng chịu mọi khổ đau, gian nan, kể cả đời khinh bỉ để cho con được mở mặt với đời. Cha mẹ sẵn sàng chìm trong khổ đau như đêm đen để cho con tỏa sáng như ngôi sao. Không so sánh được giữa tình yêu trai gái và tình mẫu tử, nhưng nếu ở đâu có sự yêu thương vô điều kiện, sẵn sàng hy sinh cho nhau thì tình nào cũng sẽ đạt đến được sự bền vững.
Tác giả: Giang Sáng
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam