Hai hòn đá gắn với sự tích về lòng chung thủy |
Hai hòn đá nghìn năm vững chãi
Hòn Trống Mái là một di tích danh thắng nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh thắng núi Trường Lệ, thuộc thành phố du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Du khách từ thành phố Thanh Hóa chỉ mất khoảng 20 phút để đến thành phố du lịch Sầm Sơn - nơi có bãi biển với chiều dài bãi biển khoảng 10km, được đánh giá biển đẹp nhất khu vực miền bắc. Ngoài lợi thế bãi biển đẹp, Sầm Sơn còn thu hút khách du lịch bởi hệ thống danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đặc biệt là hòn Trống Mái bao đời nay vẫn vững vàng trước bão gió nơi cửa biển.
Hòn Trống Mái là tên gọi của hai hòn đá nằm chênh vênh nặng hàng chục tấn trên đỉnh dãy núi Trường Lệ tựa hình dáng một đôi chim đá khổng lồ đang chụm đầu, nghiêng mỏ.
Điều kỳ diệu là đứng thế chênh vênh nhưng hàng nghìn năm nay vẫn vững chãi, bất chấp dòng chảy của thời gian. Không biết từ bao giờ hòn Trống Mái gắn liền với chuyện về tình yêu đôi lứa thủy chung, son sắc.
Hòn Trống Mái trên núi Trường Lê |
Điểm tham quan hấp dẫn du khách, đặc biệt là những cặp tình nhân mong muốn có tình yêu bền chặt |
Có nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sự tích hòn Trống Mái. Mỗi câu chuyện đều có cốt tích khác nhau, nhưng tựu trung đều ca ngợi lòng thủy chung của tình yêu đôi lứa và đạo nghĩa vợ chồng.
Tình yêu cảm động thần tiên
Chuyện xưa kể rằng: Thuở xưa, bãi biển Sầm Sơn hãy còn hoang vu lắm. Vào một năm nọ, nước biển dâng lên cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển, xung quanh chỉ thấy cảnh chết chóc. Có hai vợ chồng nhà nghèo đã may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao. Rồi nước biển rút dần, nhưng xung quanh chỉ là những vũng đầm lầy chua mặn, một ngọn rau, cây cỏ cũng không còn. Đôi vợ chồng chẳng có gì có thể ăn được.
Thời gian cứ trôi ngày nay qua ngày khác. Một hôm, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi, nên đoán chắc trên núi có gì đấy có thể ăn được. Người chồng gắng gượng leo lên mong tìm thấy chút gì ăn được để vợ chồng cầm cự qua cơn đói. Nhưng người chồng đi mãi, người vợ ở lại ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, nên người vợ gắng gượng lê từng bước lần theo dấu chân đi tìm chồng.
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm tại hòn Trống Mái. M.CƯỜNG |
|
Hàng triệu lượt khách du lịch đổ về biển Sầm Sơn mỗi năm. M.CƯỜNG |
Một góc bãi biển Sầm Sơn. M.CƯỜNG |
Ngư dân Sầm Sơn ra khơi vào mỗi buổi sáng. M.CƯỜNG |
Người đàn bà bất hạnh dốc hết sức tàn, cố bấu víu vào đá để bò lên đỉnh núi mong tìm gặp lại chồng mình. Khi bò lên đỉnh núi chị thấy chồng mình đã chết tự lúc nào. Thương xót vô hạn, không nói được lời nào, người vợ gục xuống bên xác chồng và cũng trút hơi thở cuối cùng.
Sự gắn bó thủy chung và kết cục đau thương của đôi vợ chồng nghèo đã cảm động tới thần tiên. Họ được hóa phép thành hai hòn đá hình đôi chim đang chụm mỏ vào nhau để ngày ngày quấn quýt, mãi không bao giờ rời xa nhau.
Chuyện dân gian gắn với hòn Trống Mái chứa đựng ý nghĩa nhân sinh to lớn, phản ánh ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Vì thế, khi du khách về Sầm Sơn tắm biển, hòn Trống Mái là địa điểm không thể bỏ qua. Ngày nay, nhiều đôi trai gái yêu nhau thường tìm đến hòn Trống Mái để mong muốn tình yêu của họ luôn bền chặt, mãi không xa rời.
Với ý nghĩa nhân văn đó, UBND thành phố Sầm Sơn đã xây dựng đề án sẽ tổ chức lễ hội tình yêu hòn Trống Mái và được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án từ năm 2018.
Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái sẽ có nhiều hoạt động để thu hút du khách quanh năm khi đến Sầm Sơn, như không gian đường hoa, vườn tượng tình yêu, tổ chức đám cưới tập thể… Năm nay (2019), lễ hội tình yêu lần đầu tiên được tổ chức và diễn ra vào vào ngày 6.4 tới.
Tác giả: Minh Hải
Nguồn tin: Báo Thanh Niên