Giáo dục

Thí sinh lo chọn nhầm nghề sẽ bị AI “xóa sổ” trong tương lai

Mùa tuyển sinh đại học 2025 đang cận kề nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn băn khoăn lo chọn nhầm nghề hoặc chọn đúng nghề có nguy cơ bị AI thay thế trong tương lai. Các chuyên gia tuyển sinh, nhà quản lý giáo dục sẽ giải đáp thắc mắc này ra sao?

Ngành nghề nào sẽ bị AI "xóa sổ"?

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh đại học, nhiều học sinh băn khoăn đặt câu hỏi, muốn học tài chính ngân hàng, kế toán, báo chí truyền thông... nhưng lại lo ngại về cơ hội việc làm sau 4-5 năm tới - thời điểm mà các em tốt nghiệp nhiều vị trí việc làm có thể bị "xóa sổ", nhường chỗ cho AI.

Tuấn Anh, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Hà Nội cho biết: “Trước đó em dự kiến sẽ lựa chọn ngành về công nghệ ô tô, nhưng sau học kỳ 1 lớp 12 nhận ra mình không phù hợp với nhóm ngành kỹ thuật nên quyết định “bẻ lái” thi lại để chuyển sang nhóm ngành về kinh tế. Song em băn khoăn nhất là những thông tin trên mạng cho rằng các ngành này trong tương lai cũng có thể bị hay thế bởi AI”.

Học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ những băn khoăn trong việc lựa chon ngành học và định hướng tương lai.


Mới đây tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với chủ đề: Chọn đúng nghề - Vững bước tương lai, do Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tổ chức, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã giải đáp những băn khoăn trên: “AI đang làm rất tốt những công việc đơn giản mang tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, có những thứ AI không làm hộ, làm thay con người được". Lấy ví dụ về ngành kế toán, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà cho biết, kế toán được đánh giá là một trong những ngành bị ảnh hưởng của AI nhiều nhất nhưng việc lên kế hoạch, lập chiến lược cụ thể cho doanh nghiệp thì AI không biết làm.

“AI không thể giám hộ con người. AI có IQ (trí thông minh) nhưng không có EQ (trí tuệ cảm xúc) nên các công việc mang tính chiến lược, ra quyết định, AI không làm được thay con người. Như vậy, AI tác động nhiều đến cuộc sống nhưng không làm được những công việc thuộc về giao tiếp, đổi mới, ra chiến lược, ra quyết định" - thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà phân tích.

Về vấn đề này, ông Mark Kramer, Viện Kinh doanh Quản trị, Trường Đại học VinUni cho rằng, VinUni sử dụng AI rất nhiều trong công tác đào tạo nhưng nhà trường không khuyến khích sinh viên sử dụng AI để suy nghĩ hoặc tạo ra ý tưởng thay người học. Khi đi tuyển dụng, các nhà tuyển dụng luôn mong muốn ý tưởng là của chính ứng viên. Nếu sử dụng AI để suy nghĩ, lên ý tưởng sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực. Vì thế, AI thực sự là công cụ và nếu biết cách sử dụng, tận dụng, AI sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên và các em không nên quá lo sợ về nó.

Không ngừng học hỏi để thích ứng

Trước những băn khoăn này, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh không nên lo lắng nhiều ngành nghề sẽ bị xóa sổ. Công nghệ không thể thay thế hoàn toàn con người, ngược lại còn tạo ra nhiều ngành mới, nghề mới trong tương lai. Điều cần làm là theo đuổi ngành nghề theo năng lực, sở thích và không ngừng học hỏi tri thức mới, kỹ năng mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) để chọn đúng ngành, các em nên lắng nghe, chủ động tìm hiểu và chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng của mình thay vì theo sở thích của bố mẹ hay tác động của bạn bè. Cùng với đó, các trường đại học cần kết hợp chặt chẽ hơn với các trường THPT thông qua các buổi tư vấn để cung cấp thông tin sâu, vì những nội dung trên website không chứa hết nội hàm nên không thể giúp phụ huynh, học sinh hiểu hết về ngành, về trường. Những chia sẻ từ chuyên gia sẽ giúp học sinh hiểu hơn về môi trường học tập trong tương lai, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp với năng lực và định hướng của bản thân.

Những chia sẻ từ chuyên gia sẽ giúp học sinh đưa ra những quyết định phù hợp với năng lực của bản thân.​



Với câu hỏi của thí sinh N.T.H: “Nếu em chọn nghề nhầm nghề, học một thời gian thấy không phù hợp nữa, vậy em phải làm gì?”. TS Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu các em chọn nghề chưa ưng ý sau khi quyết định hoặc học vài năm thì có thể học bổ sung một vài ngành ngay trong trường đại học hoặc học cao học.

“Con người phải học suốt đời. Trường đại học lớn nhất là đại học cuộc sống nên chúng ta cần không ngừng học hỏi, thậm chí ngành mà các em coi là mình chọn đúng khi bước vào trường đại học thì sau 4 - 5 năm sau, khi tốt nghiệp cũng đã có nhiều thay đổi nên các em phải luôn học để thích ứng với công việc, với cuộc sống”, TS Phạm Sỹ Cường nhắn nhủ.

Cũng theo nhiều chuyên gia, sáng tạo của con người và AI là khác nhau. Con người không cần sợ AI mà cần làm chủ AI thay vì ỷ lại, phụ thuộc vào nó. Và các em nếu có tinh thần học tập suốt đời, luôn nỗ lực để làm chủ công nghệ thì không có gì phải sợ AI.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: VOV.VN

  Từ khóa: AI , thí sinh , tuyển sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok