Theo phản ánh của người dân tại xã Định Bình đến Tạp Chí Kinh tế Môi trường, họ đang phải đóng một triệu đồng trên mỗi hộ dân để được đăng ký sử dụng nước sạch.
Một hộ dân ở thôn Kênh Bắc cho biết: “Theo thông báo của cán bộ các thôn, mỗi hộ đăng ký cấp nước sạch phải nộp cho Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa 1,5 triệu đồng. Trong đó xã hỗ trợ 500.000 đồng. Còn lại gia đình tôi phải đóng 1 triệu đồng thông qua hai vụ thu sản. Đây là khoản tiền phải nộp "cứng", để đủ điều kiện được đấu nối sử dụng nước sạch (chưa tính chi phí kéo đường ống từ đồng hồ vào đến hộ dân)”.
“Gia đình em mới sử dụng nước sạch. Lúc đó em phải đóng 1,6 triệu đồng để được cấp nước sạch nhưng không có phiếu thu gì cả. Họ chị nói là đăng ký sau nên nó thế”, một hộ khác cho hay.
Theo phản ánh của người dân, cùng là đăng ký sử dụng nước sạch, nhưng có những xã ở Yên Định không phải đóng khoản tiền cứng này, trong khi xã Định Bình chuẩn bị lên nông thôn mới kiểu mẫu thì lại phải đóng tiền.
Phiếu thu tiền nước sạch một vụ của vợ chồng ông Cúc. Do ông bà đã trên 70 tuổi nên được miễn đóng ghóp các khoản thu xã hội hóa. |
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND xã Định Bình thừa nhận: “ Việc xã thu tiền các hộ dân là có. Nhưng là thu hộ cho doanh nghiệp. Đây là tiền lắp đồng hồ, chứ không thu thêm bất cứ thứ gì cả. UBND xã còn đang phải hỗ trợ thêm cho người dân cơ mà. Vì tổng tiền lắp đồng hồ là 3,5 triệu đồng/hộ.”
Theo Phó chủ tịch xã Định Bình, việc thu trên đối với mỗi hộ dân là theo cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 49 của HĐND huyện Yên Định. UBND xã phải huy động đóng góp của Doanh nghiệp, còn người dân đóng góp có 1 triệu đồng là bình thường. Hộ cận nghèo là 500.000 đồng, còn hộ nghèo thì không phải đóng góp. Hiện nay toàn xã đã có hơn 1.000 hộ dân đăng ký và nộp tiền thông qua hình thức đóng sản.
Công sở xã Định Bình, huyện Yên Định. |
Không ít người dân cho rằng, tại Khoản 3, Điều 42, Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rõ: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.
Bên cạnh đó, Khoản 4, Điều 42 của Nghị định cũng nêu rõ: Các khách hàng sử dụng nước chỉ được phép lắp đặt và chịu trách nhiệm về các thiết bị cấp nước sau điểm đấu nối và sau đồng hồ. Các thiết bị này phải được thiết kế, lắp đặt thích hợp với các thiết bị của đơn vị cấp nước, bảo đảm an toàn, không gây sự cố rủi ro đối với thiết bị của đơn vị cấp nước
Đối chiếu quy định này, việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh nước là trách nhiệm của Doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa. Rõ ràng cách lý giải của lãnh đạo xã Định Đình cho người dân cũng như PV là chưa đúng với Nghị định 117 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo mục nghĩa vụ của bên B (người dân) được đề cập trong hợp đồng, cụ thể như sau: Sử dụng đúng mục đích đã đăng ký; thanh toán tiền nước đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện đầy đủ các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng; đảm bảo an toàn, bảo quản đồng hồ đo nước; tạo điều kiện để bên A (Công ty Cổ phần nhà máy nước Thanh Hóa) kiểm tra, ghi chỉ số đồng hồ; không được dùng bất cứ hình thức nào để làm sai lệch hoặc vô hiệu hóa đồng hồ đo nước; không đấu bất cứ nguồn nước nào vào chung với hệ thống cấp nước; chịu mọi chi phí sữa chữa, thay thế đối với hệ thống cấp nước thuộc tài sản của mình; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa người dân và Doanh nghiệp không thể hiện có khoản thu 1 triệu đồng cho đồng hồ đo nước. |
Như vậy, trong phần nghĩa vụ của bên B, hợp đồng không đề cập đến việc người dân phải chịu chi phí lắp đặt đồng hồ đo nước.
Nước sạch là một trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên qua việc thu tiền nước sạch của UBND xã Định Bình, đang khiến người dân đặt những dấu hỏi về việc thu tiền đồng hồ đo nước. Nếu đúng cần phải họp dân, giải thích rõ ràng, căn cứ theo văn bản nào để nhân dân nắm rõ vấn đề và ủng hộ chính quyền. Còn nếu sai thì có trả lại cho người dân hay không?
Tiến sỹ Phạm Đi – Khoa Xã hội học và phát triển, Học viện chính trị khu vực III từng cho rằng: “Xây dựng NTM là chủ trương lớn nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do vậy, nếu để thực hiện NTM mà người dân khốn khó hơn, túng quẫn hơn, thậm chí phẫn nộ thì rõ ràng mục tiêu lớn sẽ không đạt được nếu không muốn nói là "trái với mục tiêu" đặt ra. Chủ thể của NTM chính là người nông dân, một khi không có sự ủng hộ từ phía người dân, người dân chưa phát huy tính tích cực, chủ động tham gia một cách tự nguyện vào xây dựng NTM thì cái lỗi lớn nhất thuộc về cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương”.
Tác giả: Hoàng Đức
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn