Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư của Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập, trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục nghề nghiệp.
Toàn cảnh kỳ họp chiều ngày 9/7 |
Theo thống kê, giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp, làm giảm 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Sau sáp nhập, sắp xếp, có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn…
Đến nay, 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý; 82 cơ sở nhà đất dôi dư chưa có phương án sắp xếp. Hiện tại, hầu hết các công trình này vẫn trong tình trạng bỏ không, xuống cấp, gây lãng phí.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa |
Trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa lý giải, nguyên nhân chậm xử lý các tài sản dôi dư trên là do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; ảnh hưởng của dịch COVID-19; số lượng công sở nhà đất dôi dư lớn, địa bàn rộng; thành viên các tổ giúp việc trong sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác… Còn mốc thời gian khi nào sẽ xử lý xong tài sản công dôi dư thì ông Tứ chưa trả lời được.
Đồng thời, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa cũng đưa ra giải pháp là kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý tài sản công dôi dư; chính quyền cấp huyện phải xem việc xử lý tài sản công dôi dư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi khi xây dựng phương án sử dụng tài sản...
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn |
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo sắp xếp tài sản công của tỉnh, Sở Tài chính, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại buổi chất vấn |
Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa, báo cáo, đề xuất các cơ quan Trung ương tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện xử lý tài sản công. Các đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố.
Tác giả: Thành Phan
Nguồn tin: congly.vn