Tinh thần “đoàn kết” là kim chỉ nam
Thanh Hóa có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, không chỉ có tính chiến lược của tỉnh, từ thế kỷ XV đã được coi là vùng đất “phên dậu” của đất nước. Đến thế kỷ XIX, nhà sử học Phan Huy Chú xác định Thanh Hóa “là một trấn quan trọng”, “nơi xung yếu”. Vị trí đó đã tạo nên một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và tiềm năng phát triển kinh tế lớn của cả nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền điạ phương các thời kỳ luôn nỗ lực để đưa Thanh Hóa từ một tỉnh nghèo vươn lên đứng trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh của cả nước; tạo dựng được nền kinh tế - xã hội ngày càng vững chắc trên tất cả các mặt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tháng 11.2023. Ảnh: Minh Hiếu |
Năm 2023 - một năm đầy biến động với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng những khó khăn, thách thức là rất lớn. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giữ được ổn định với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,01%. Với con số này, Thanh Hóa mặc dù xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, nhưng đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng vững chắc của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng đạt 4,16%. Mặc dù những khó khăn đặt ra rất lớn, nhất là tác động tiêu cực từ các nhân tố bên ngoài, song ngành công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng (10,73%). Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục cho thấy sự bứt tốc tăng trưởng trong cơ cấu ngành kinh tế. Nổi bật phải kể đến là ngành du lịch, với tổng lượt khách du lịch trong năm ước đạt 12,356 triệu lượt, bằng 103% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ; tổng thu ước đạt 24.252 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Cùng với bộ 3 “chân kiềng” gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Thanh Hóa cũng nổi lên nhiều điểm sáng ấn tượng. Đó là GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.067 USD, tăng 142 USD so với năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán. Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư cũng là “điểm nhấn” đáng kể, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm, làm việc, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan... Nhờ những hoạt động đối ngoại, xúc tiến tích cực và mạnh mẽ đó mà trong năm, tỉnh đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD.
Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội kể trên tiếp tục là minh chứng về tầm nhìn “sáng suốt, dài hạn” và năng lực lãnh đạo “linh hoạt, sáng tạo” của cấp ủy, chính quyền. Quan trọng hơn, tinh thần đoàn kết, thống nhất luôn được xác định là kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện mọi nhiệm vụ, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, trở thành tỉnh kiểu mẫu. Khát vọng ấy được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhiều lần nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện noi theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi theo con đường Bác đã lựa chọn; quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác hằng mong muốn”. Thông điệp đó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo động lực, thôi thúc tinh thần phấn đấu vươn lên, hăng say lao động sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và người dân toàn tỉnh.
Quyết tâm tăng tốc, bứt phá
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội có nhiều gam màu sáng, song tỉnh Thanh Hóa cũng nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập hiện hữu. Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa XVIII vừa qua, HĐND tỉnh đã chỉ ra, năm 2023, một số chỉ tiêu vốn là nền tảng căn bản để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tổng giá trị xuất khẩu, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tổng huy động vốn đầu tư phát triển... vẫn chưa đạt kế hoạch; tiến độ thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa bảo đảm theo yêu cầu; tiến độ đầu tư nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm và thiếu đồng bộ; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động khá lớn; năng lực của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công…
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào tháng 11.2023, trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các thế hệ với nhau” để sớm đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Trong đó, Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “3 thông”, gồm: cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý, sắp xếp, điều hành thông minh; tập trung 3 khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao tinh thần tự lực tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại.
|
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định, 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá để về đích, năm giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. “Không có áp lực thì không có kim cương”, những khó khăn, thách thức từ khách quan và nội tại sẽ vừa là áp lực, cũng sẽ là động lực để các sở, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để tăng tốc, bứt phá trong năm 2024.
Bám sát chủ đề công tác năm 2024 là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng GRDP đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6.000 triệu USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 135.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách Nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 6.200ha; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng chia sẻ, để hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể đó, tinh thần “đoàn kết thống nhất” luôn phải được củng cố, gìn giữ, phát huy từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh tiếp tục hoàn chỉnh, tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, chính sách, quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cao, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng, gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo PCI đứng trong tốp 20 của cả nước.
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa lớn, kết nối các vùng, kết nối đường bộ cao tốc Bắc - Nam với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp; quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như: y tế, trường học... nhằm bảo đảm đời sống dân sinh trên toàn tỉnh.
Tác giả: Đào Cảnh
Nguồn tin: daibieunhandan.vn