UBND tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng; tổ chức nhiều hội nghị phổ biến và giới thiệu công nghệ sản xuất VLXKN cho các địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho các DN sản xuất VLXD, nhà đầu tư đi tham quan và tìm hiểu công nghệ sản xuất gạch không nung (GKN) tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam.
Thanh Hóa là một tỉnh có nhiều khoáng sản làm VLXD cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho công trình xây dựng trên địa bàn và phát triển sản xuất GKN |
Với những nỗ lực trên, trong những năm qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất gạch GKN, mang lại một số kết quả nhất định.
Toàn tỉnh hiện có 47 dự án sản xuất GKN với tổng công suất thiết kế 1.038 triệu viên QTC/năm (chiếm 43% tổng công suất vật liệu xây toàn tỉnh); đã đạt và vượt chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 26/58/2014 của UBND tỉnh. Trong đó, có 35 nhà máy đang sản xuất với tổng công suất 753 triệu viên, sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 400 triệu viên QTC/năm; 12 dự án đang đầu tư xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 285 triệu viên, dự kiến đầu năm 2018 sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm cho thấy, đến nay các công trình có nguồn vốn ngân sách Nhà nước sử dụng 100% gạch không nung. Một số dự án vốn ngoài ngân sách Nhà nước, công trình dân sinh cũng đã từng bước sử dụng sản phẩm này.
Thanh Hóa là một tỉnh có nhiều khoáng sản như đá xây dựng, cát xây dựng, xi măng, do vậy khá nhiều thuận lợi trong việc sản xuất VLXD, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và phát triển sản xuất GKN. Hơn nữa, việc lập các quy hoạch như quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD, quy hoạch phát triển VLXD đã định hướng cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư đúng hướng, đem lại hiệu quả cho DN và nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, việc phát triển VLXKN tại địa phương này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, hầu hết các cơ sở sản xuất VLXKN tập trung ở thành phố và các trung tâm lớn của huyện, thị, vì vậy việc vận chuyển sản phẩm này đến chân các công trình khu vực miền núi giá thành cao.
Mặt khác, do thói quen sử dụng sản phẩm gạch xây đất sét nung truyền thống, nên các công trình xây dựng dân sinh chưa quan tâm đến VLXKN. Trong năm 2017, sản lượng GKN tiêu thụ chỉ đạt khoảng trên 40% tổng công suất thiết kế…
Nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ không đầu tư dự án mới hoặc nâng công suất dự án sản xuất gạch nung tuynel sử dụng công nghệ, nguyên liệu là đất sét ruộng, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công, lò đứng, lò đứng liên tục và chuyển đổi công nghệ lò vòng theo lộ trình quy định. Tỉnh đặc biệt ưu tiên, bố trí vốn đầu tư cho các công trình vốn ngân sách Nhà nước sử dụng 100% VLXKN.
Tác giả: Linh Đan
Nguồn tin: Báo Xây dựng