Năm 2018, trước khi sáp nhập, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa có 8 thôn. Thời điểm này, UBND xã Hoằng Xuyên do ông Lê Văn Ba là Chủ tịch và ông Ba cũng là chủ tài khoản ngân sách của địa phương này.
Theo quy định, mỗi ban cán sự thôn thuộc xã Hoằng Xuyên được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, các đoàn thể trong thôn được hỗ trợ 8 triệu đồng (MTTQ, đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Nông dân) để hoạt động.
Tuy nhiên, hết năm tài chính 2018, UBND xã Hoằng Xuyên do ông Ba làm chủ tịch vẫn không chi trả số tiền hỗ trợ trên về cho các thôn. Từ năm 2018 - 2020, các thôn nhiều lần đề nghị nhưng UBND xã Hoằng Xuyên vẫn "khất nợ".
Năm 2020, sau nhiều lần “đòi nợ”, xã Hoằng Xuyên (sáp nhập xã Hoằng Khê vào xã Hoằng Xuyên, lấy tên là xã Hoằng Xuyên và vẫn do ông Lê Văn Ba làm chủ tịch) mới chi trả số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ cho ban cán sự thôn, còn 8 triệu đồng tiền hỗ trợ các tổ chức đoàn thể của thôn hoạt động vẫn không chịu chi trả.
Công sở UBND xã Hoằng Xuyên. |
Theo Báo cáo số 31/BC – UBND ngày 20/7/2020 của UBND xã Hoằng Xuyên trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 13, HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021 có nêu: “Cử tri thôn Trung Tiến, Long Xuân đề nghị UBND xã chi thanh toán kinh phí hoạt động của thôn và ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể, kinh phí khu dân cư năm 2018 cho 8 thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cũ và kinh phí dồn điền đổi thửa lần 3 cho các thôn thanh toán tiền lao động.
Trả lời: UBND xã đã chi trả cho ban công tác mặt trận (8 thôn cũ) mỗi thôn 5 triệu đồng), còn 8 triệu hoạt động của thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể do ngân sách xã sau khi sáp nhập chưa cân đối được nên UBND xã sẽ thanh toán vào dịp cuối năm 2020”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đến giữa tháng 3/2021, số tiền hỗ trợ các thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể của 8 thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cũ (64 triệu đồng) vẫn chưa được UBND xã này chi trả.
Ông L.T... – Phó Bí thư chi bộ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cho biết, tiền hỗ trợ các thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể năm 2018 của thôn Trung Tiến đến nay thôn vẫn chưa được nhận. Dù đã ý kiến nhiều lần, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên sau rất nhiều lần hứa trả nhưng không thực hiện.
Một cán bộ thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cho hay, tiền hỗ trợ các thôn, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể hoạt động năm 2018 đến nay họ vẫn chưa nhận được. Ông nhiều lần có ý kiến với xã, ông Ba cũng nhiều lần hứa sẽ chi trả cho thôn nhưng đến nay “vẫn khất nợ”.
Đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân bị thu hồi làm đê, nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ. |
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân thuộc xã Hoằng Xuyên, họ đã bị chính quyền địa phương thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công con đê và tuyến đường giao thông gần 2 năm nay, nhưng chưa được chi trả tiền đền bù, hỗ trợ.
Ông Lê Văn Ba – Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên xác nhận, hiện UBND xã đang nợ 8 thôn thuộc xã Hoằng Xuyên cũ 64 triệu đồng tiền hỗ trợ. Theo ông Ba, số tiền hỗ trợ này do ngân sách cấp trên cấp, nhưng xã đã sử dụng chi cho các hoạt động để xã này về đích Nông thôn mới và kỷ niệm thành lập Đảng bộ xã.
Ông Ba cũng xác nhận, hiện xã đang nợ gần 200 hộ dân trên địa bàn xã số tiền hơn 1 tỷ đồng (tiền thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để làm đê và làm đường giao thông nông thôn thôn Bắc Long – Trung Tiến). Dự kiến, thời gian tới, xã sẽ dùng tiền từ việc bán đấu giá đất để chi trả cho các hộ dân.
“Cái năm đấy xã về đích Nông thôn mới và kỷ niệm thành lập đảng bộ nên thâm hụt ngân sách. Hiện nay vẫn đang nợ đấy, 8 thôn còn 64 triệu nữa. Tiền đền bù đê Sông Sau do xã giải phóng mặt bằng, hiện nay xã chưa rút được tiền để trả. Cái đê này huyện làm chủ đầu tư, nhưng xã phải giải phóng mặt bằng thì tiền đền bù cả hai đợt gần 200 hộ với số tiền hơn 600 triệu, tiền đền bù làm đường giao thông Bắc Long – Trung Tiến cũng hơn 600 triệu đồng. Dự kiến hết tháng ba này, tháng tư, tháng năm có tiền cái trả ngay?”, ông Ba cho hay.
Dù mới được đưa vào sử dụng nhưng thân đê đã có vết nứt kéo dài. |
Quá trình trao đổi, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên còn cho hay, hiện địa phương này đang nợ nhiều tổ chức, cá nhân khoảng 25 tỷ đồng tiền đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện, địa phương đang bán đấu giá các lô đất trên địa xã Hoằng Xuyên để lấy tiền trả nợ giải phóng mặt bằng làm đê, làm đường giao thông và trả nợ xây dựng cơ sở hạ tầng để về đích Nông thôn mới.
“Xã về đích Nông thôn mới cuối năm 2019, hiện cả hai xã (sau khi sáp nhập) nợ khoảng hơn 25 tỷ, mỗi công trình nợ tầm 2 – 3 tỷ, mỗi nhà thầu nợ một ít. Dự kiến hết nhiệm kỳ (2016 – 2021) sẽ trả hết nợ”, ông Ba thông tin.
Theo quan sát của PV, dù chưa chi trả tiền bồi thường hỗ trợ thu hồi đất cho người dân, vừa mới được thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng con đê tại xã Hoằng Xuyên đã có dấu hiệu xuống cấp. Trên thân đê xuất hiện nhiều vết nứt, sạt lở…
Ông Lê Văn Trọng - Phó Giám đốc ban quản lý dự án huyện Hoằng Hóa cho biết, tuyến đê trên có tên Xử lý sạt lở đê hữu Cấm Lũ xã Hoằng Xuyên, đoạn K5 - K7, cọc 100 xã Hoằng Xuyên. Công trình này do huyện làm chủ đầu tư với số vốn là 6,6 tỷ đồng, việc đền bù giải phóng mặt bằng do UBND xã Hoằng Xuyên thực hiện, được bàn giao đưa vào sử dụng đầu năm 2020.
Thông tin PV phản ánh, tuyến đê có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở, nứt, Ban quản lý sẽ tiến hành kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục.
Tác giả: Phạm Xuân Chinh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn