Một góc sông bị cát tặc hút trộm làm sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Văn Thanh |
Đất canh tác của người dân trôi sông
Thời gian gần đây, nhiều người dân hai thôn 3 và 4, xã Hà Toại, huyện Hà Trung vô cùng bức xúc trước nạn cát tặc liên tục đục khoét lòng sông, phá nát bờ sông, làm sạt lở đất đai, hoa màu nghiêm trọng. Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận từng thớ đất của người dân đang canh tác bị sạt nham nhở, nhìn giống như những hàm ếch, rất nguy hiểm. Ngoài mất đất canh tác, về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tuyến đê trung ương đi qua địa bàn xã Hà Toại.
Một người dân trú ở thôn 4, xã Hà Toại bức xúc: "Cát tặc ở đây rất manh động, chỉ cần có ai chống đối là tối có người đến tận nhà đe dọa. Bây giờ cát tặc chủ yếu hoạt động về đêm từ 20 giờ đến 23giờ. Ngày nào cũng có 2 - 3 tàu công suất lớn vươn vòi bạch tuộc hút cát lên khoang. Trung bình mỗi tàu chứa đầy cát khoảng 100 - 130m3, mỗi m3 bán khoảng 80 - 90 nghìn đồng, thì một tàu cát có trị giá gần 10 triệu đồng.
Với món lợi nhuận khổng lồ này thì cát tặc bất chấp tất cả để hút cát mang về bán. Cát tặc ở đây hoạt động rất tinh vi, khi nào tàu tiến hành hút cát chúng đều bố trí “chim lợn” lượn lờ trên đường và các bãi đất, có động tĩnh thì thông báo bằng điện thoại để phía tàu hút trộm tẩu thoát bằng cách đi nhanh ra giữa sông".
"Đội cát tặc tuyên bố đã “thông” được từ tỉnh về đến xã nên đất bãi bồi là của chúng, chúng muốn là gì thì làm, không ai cấm được. Chắc chắn việc hút cát trộm ở đây có sự “bảo kê” của chính quyền địa phương, vì việc hút cát diễn ra đã lâu mà chẳng thấy tăm hơi của lực lượng chức năng vây bắt, xử lý”, người dân này quả quyết.
Chính quyền xã bị vô hiệu hóa
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về sự việc, ông Mai Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Hà Toại thừa nhận tình trạng hút cát trộm, làm sạt lở bờ sông, mất đất canh tác của người dân là có thật. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: "Việc bắt cát tặc rất khó vì không có phương tiện hỗ trợ. Việc cát tặc lộng hành qua các kỳ tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên rất nhiều lần, nhưng mãi kỳ họp HĐND năm ngoái (2016) thì tỉnh, huyện mới ra quân bắt được 1 tàu hút cát duy nhất.
Kể từ đó đến nay chẳng thấy ban, ngành nào về theo dõi, xử lý nữa. Về nguồn tin quần chúng nhân dân phản ánh chính quyền “bảo kê” cho cát tặc thì chúng tôi chưa phát hiện, sẽ cho theo dõi, ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm".
“Trực tiếp tôi cũng đã nhiều lần chỉ đạo tuần tra, kiểm soát, xua đuổi cát tặc nhưng khi đến nơi thì tàu hút cát lại rút ra giữa sông khó mà bắt được. Chúng tôi chỉ nắm được tàu hút cát trộm thường xuyên đổ về bãi tập kết cát của Công ty TNHH Vũ Bảo, đóng trên địa bàn xã Hà Hải, huyện Hà Trung”, ông Nam xác nhận.
Theo báo cáo của UBND xã Hà Toại, việc các tàu hút cát trộm ở sông Lèn, thuộc địa bàn thôn 3 đã làm mất đất bãi bồi, đất đắp đường, hoa màu của nhân dân. Cụ thể, khu vực sạt lở cách đê sông Lèn chỗ gần nhất là 22m, diện tích bị thiệt hại 3.670m2. Nếu không kịp thời can thiệp, đình chỉ hoạt động hút cát trái phép thì đất tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu vào chân đê, ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, cây cối và tuyến đê trung ương đi qua địa bàn.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tránh tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh tra