Tàu vỏ sắt không biển kiểm soát, ngang nhiên khai thác trái phép cát ở cửa Lạch Hới. |
Ngày 29-11-2011, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có Quyết định số 1414/QĐ-BGTVT và giao cho Công ty CP Đầu tư Thăng Long (Công ty Thăng Long) nạo vét, duy tu, khơi thông cửa sông Mã, tuyến luồng hàng hải từ phao số “0” đến hạ lưu cầu Hoàng Long, xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa), thời gian 50 năm. Chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức lấy thu bù chi. Tiếp đó, Bộ Xây dựng có Công văn số 2125/BXD-VLXD ngày 29-6-2016 đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ - xây dựng Phương Thảo Nguyên, đơn vị được Công ty Thăng Long ủy quyền, xuất khẩu cát nhiễm mặn, thời hạn đến hết ngày 30-9-2017... Song song với quá trình thực hiện dự án này là cả một hệ lụy, nạn “cát tặc” lộng hành gây bức xúc trong dư luận.
Buổi sáng trung tuần tháng 11-2017, chúng tôi lên chiếc mảng của ngư dân Cao Văn H., thôn 6, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa). Mất khoảng 30 phút đồng hồ, anh H. đưa chúng tôi ra khu vực cửa Lạch Hới, một điểm nóng của nạn “cát tặc”. Trước mắt chúng tôi, 10 chiếc tàu vỏ sắt không biển kiểm soát... đang thản nhiên vươn vòi thọc sâu xuống nước hút cát. Tiếng máy nổ inh ỏi, nước đục ngàu cả một vùng rộng lớn.
Thấy tôi đưa máy ảnh để chụp, anh H. gọi giật lại: “Bọn chúng manh động lắm, để tôi cho thuyền đi ra xa rồi hãy chụp. Mảng không chạy đua được với tàu công suất lớn của chúng đâu. Hơn nữa bọn cát tặc ở đây được bảo kê cả rồi nên ngang nhiên, lộng hành lắm?”. Anh H., cho biết: “Thời gian gần đây, số lượng tàu khai thác giảm; cách đây khoảng 1 năm về trước, khu vực này không khác một đại công trường. Hàng trăm tàu không cắm cờ, không biển kiểm soát, sục sạo, “làm thịt” cửa Lạch Hới suốt cả ngày lẫn đêm”.
Ngoài cửa Lạch Hới, bờ biển Hoằng Hóa cũng là điểm nóng của nạn “cát tặc”. Cũng trong ngày hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin qua điện thoại từ một người dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa): “Có 7 tàu của bọn cát tặc đang ngang nhiên hút cát ở biển Hoằng Phụ”. Chúng tôi lại nhờ anh H. đưa đến khu vực này. Đúng như tin báo, 7 con tàu vỏ sắt không biển kiểm soát, tải trọng khoảng từ 150 m3 đến 250 m3 đang ngang nhiên thọc vòi xuống eo biển Hoằng Phụ hút cát. Không hiểu chủ nhân đích thực của những con tàu kia là ai? Bởi hầu hết người dân thôn Tân Xuân khi trao đổi với chúng tôi, đều khẳng định: “Sự việc này, từ chính quyền cấp xã, huyện đều rõ, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển đều biết, tuy nhiên không hiểu tại sao các tàu lại không bị xử lý?”.
Tiếp tục đi cùng anh H. dọc bờ biển của hai xã Hoằng Phụ và Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), chúng tôi được “mục sở thị” hệ lụy của việc khai thác cát trong thời gian qua để lại. Những cột sóng cao cuồn cuộn ập vào bờ, đánh sập nhiều đoạn đê biển; những rặng phi lao ven bờ nằm trơ gốc. Sóng biển khoét vào bờ tạo thành những hàm ếch sâu hoắm. Người dân khu vực này khẳng định không lâu nữa phần đất này sẽ bị sóng kéo luôn ra biển... “Tính trung bình trong 5 năm trở lại đây, nước biển đã lấn sâu vào bờ cả chục mét. Hệ thống đê biển, phi lao bị nước biển tàn phá, nhấn chìm. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn thảm họa thiên nhiên chắc chắn sẽ xảy ra”, anh H. khẳng định.
Bão số 10, một cơn bão với sức gió trung bình, lại không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, nhưng cũng khiến toàn bộ hệ thống kè biển nằm ở 2 bên cửa Lạch Hới thuộc TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa bị hư hại nặng nề... Thả bộ dọc bờ biển, anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Tân Xuân, đưa ánh mắt nhìn về phía biển. Cơn bão số 10 đi qua, trang trại nuôi tôm của gia đình anh có 8 ao thì thiệt hại toàn bộ. Số tiền nợ ngân hàng lên đến cả tỷ đồng. Dốc toàn lực “canh bạc” cuối cùng, gia đình anh đầu tư khôi phục lại được 4 ao?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiệm, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, trước tình trạng cát tặc lộng hành ven biển, sông Mã qua địa bàn, huyện đã kiến nghị cấp có thẩm quyền dừng dự án.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng nạo vét mà chủ đầu tư thực hiện chỉ đạt 273.800 m3 cát trên tổng số 1.781.138 m3 bùn, cát theo phương án thi công giai đoạn 1. Độ sâu luồng đạt được là - 0,4 mét, độ sâu này là không đáng kể theo yêu cầu của giai đoạn 1 là - 4,5 mét. Chiều dài tuyến luồng mới chỉ thực hiện đoạn từ phao số 0 đến phao số 4, chưa thực hiện nạo vét toàn bộ tuyến luồng theo yêu cầu của dự án...
Theo báo cáo, đánh giá của các sở, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương, thì nguyên nhân của việc chậm tiến độ và không đạt được mục tiêu của dự án là do chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện. Cụ thể sau khi dự án được chấp thuận, chủ đầu tư đã không đầu tư máy móc, thiết bị để trực tiếp tổ chức thi công, mà ký hợp đồng giao khoán lại cho các tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Các tổ chức, cá nhân này lại chỉ tập trung hút cát cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn khi có nhu cầu. Không chú trọng đến việc nạo vét bùn, khơi thông tuyến luồng theo mục tiêu của dự án.
Ngày 12-10-2017, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Công văn số 12365/UBND-CN gửi Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đề nghị dừng thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước tuyến luồng hàng hải Lệ Môn. Công văn nêu rõ: Trong suốt thời gian thực hiện dự án từ khi được cấp phép đến nay, trên tuyến sông Mã đoạn từ cầu Hoàng Long đến cửa Lạch Hới, thường xuyên xuất hiện các điểm nóng về khai thác cát trái phép. Các đối tượng thường lợi dụng việc nạo vét để hút cát tại các bãi nuôi trồng thủy sản của nhân dân, hút cát tại các bãi nổi... Việc này đã gây mất an ninh trật tự, tạo sự bức xúc đối với chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân.
Tác giả: Nguyễn Trường
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử