Trực tiếp có mặt tại hai bên bờ của dòng sông Chu, đoạn thuộc xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), không khó để nhận ra hệ quả khôn lường của việc khai thác cát trái phép.
Việc xử lý khai thác cát trái phép tại huyện Thiệu Hóa chỉ như muối bỏ bể |
Theo quan sát của PV, lúc này diện tích bờ sông sạt lở rất nghiêm trọng, trong đó nhiều khu vực vết sụt lún còn rất mới. Lo ngại nguồn tài nguyên bị “ăn mòn” cũng như không còn quỹ đất để canh tác, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động liên kết bằng cách lập chòi canh gác, phân công túc trực ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, tất cả cũng như muối bỏ bể, mọi phương án đối phó đến lúc này đều tỏ ra vô hại trước sự manh động của các đối tượng “cát tặc”.
Để nâng cao hiệu quả, UBND xã Thiệu Nguyên quyết định thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên cát với tổng cộng 13 tổ viên là những người dân bản địa. Tổ bảo vệ được trang bị 1 thuyền tuần tra trên sông, đồng thời xây dựng thêm 1 chòi canh và 2 trạm quan sát. Toàn bộ kinh phí hoạt động được trích ra từ nguồn thu của xã.
Theo chân anh Nguyễn Văn Thảo, Tổ phó Tổ bảo vệ tài nguyên cát, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Nằm cách bờ đê sông Chu không quá xa, đập ngay vào mắt là một chiếc tàu không biển số đang ngang nhiên “vươn vòi” hút cát, tiếng máy nổ vang lên inh ỏi như muốn xé nát từng khoảng không.
Việc xử lý khai thác cát trái phép tại huyện Thiệu Hóa chỉ như muối bỏ bể |
Nhác thấy bóng người lạ, nhóm “cát tặc” lập tức nhổ neo, chúng gấp rút điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường.
“Mỗi khi phát hiện thấy phương tiện hút cát trái phép thì chúng tôi đến để xua đuổi, chứ xử phạt thì rất khó thực hiện. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các đơn vị lại với nhau. Lực lượng chỉ có ngần này nên dù có muốn cũng đành chịu”, anh Thảo bộc bạch.
Trong phạm vi bán kính khoảng 2km, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc thuyền hút cát không số đang chờ chực, tất cả luôn sẵn sàng “ăn hàng” mỗi khi có nhu cầu. Việc khai thác diễn ra theo kiểu tận thu miết từ năm này qua năm khác đã làm đảo lộn dòng chảy, kéo theo tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phổ biến, xung quanh bờ xuất hiện nhiều diện tích bị nứt toang hoác, thậm chí có nơi ăn sâu vào đất canh tác đến cả chục mét.
Không riêng gì xã Thiệu Nguyên, vấn nạn “cát tặc” cũng đang diễn ra phổ biến tại nhiều xã khác của huyện Thiệu Hóa như Thiệu Minh và Thiệu Toán. Chính quyền và đơn vị chức năng biết đó, thấy đó nhưng gần như bất lực hoàn toàn. Các phương án đưa ra cơ bản chỉ mang tính chất chữa cháy tạm thời chứ chưa thể giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Sự việc kéo dài suốt nhiều năm khiến cho tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn |
Quá trình tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Thiệu Toán hiện chưa có mỏ cát nào đã được cấp phép, thế nhưng việc khai thác vẫn diễn ra như cơm bữa. Để đối phó với tình trạng trên, xã đã nhiều lần cho kiểm tra, giám sát nhưng chế tài xử phạt chưa đủ nặng nên các đối tượng vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động như không.
“Hàng năm địa phương chi ra khá nhiều kinh phí, công sức nhằm mục đích dẹp bỏ tình trạng khai thác cát trái phép. Thế nhưng do điều kiện địa hình phức tạp, trong khi lực lượng chức năng lại quá mỏng nên tình hình nhìn chung rất khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiến hành xử phạt 3 vụ với số tiền 13 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên cho biết. |
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam