Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều người lao động chính trong không còn việc làm, mất thu nhập, hàng trăm lao động đang phải “căng mình” từng ngày kiếm tìm nguồn thu để cả gia đình vượt qua cơn đại dịch. Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ của Chính phủ đang là niềm mong mỏi, làm ấm lòng người nghèo.
Tròn 1 tháng, bà Bùi Thị Lý (phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) mới quay lại cơ sở giặt là để làm việc. Bà Lý là lao động chính trong gia đình, làm việc tại cơ sở giặt là với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Dù đã đi làm ở đây được 3 năm nhưng bà cũng như nhiều người khác đều không có hợp đồng lao động. Khi dịch bệnh COVID -19 xảy ra, thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ, cơ sở của bà đóng cửa, bà nghỉ làm không lương tại nhà.
"Tất cả chi tiêu đều nhìn vào đồng lương tại cơ sở giặt là. Khi tôi nghỉ làm, gia đình chỉ nhìn vào nguồn thu là mấy thước đất trồng rau nên gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Hôm nay tôi mới đi làm trở lại nhưng cơ sở vẫn chưa có khách đến giặt là vì tâm lý mọi người vẫn còn lo dịch dã. Với tình hình này, có lẽ người làm thuê như chúng tôi lại phải tiếp tục nghỉ làm" - bà Lý chia sẻ.
Người lao động tự do, buôn bán... mong sớm nhận được tiền hỗ trợ |
Cũng giống như bà Lý, gia đình bà Lê Thiên Lộc (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vốn đã khó khăn nay lại càng khó hơn do dịch bệnh. Có tới 3 lao động trong gia đình bà phải nghỉ làm ở nhà tránh dịch.
"Khi nghe có gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, tôi đã rất vui mừng. Hôm trước, chính quyền địa phương cũng đã đến hỏi thông tin, lập danh sách những người trong gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi chỉ mong gói hỗ trợ nhanh chóng đến với những người dân nghèo như chúng tôi".
Còn theo anh Đỗ Văn Quý (xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), khi có dịch COVID-19, anh đã rất lo lắng vì ròng rã 3 tháng trời không nhận được công trình lớn nhỏ nào. Anh vốn là chủ thầu xây dựng, anh nhận được việc thì 16 công nhân trong tổ của anh mới có việc làm.
Anh Quý cho biết: "Dịch dã không ai muốn đầu tư, xây dựng gì nên tôi đã không có việc làm. Vợ tôi vốn là công nhân của một nhà máy trên địa bàn. Khi có dịch, công việc cũng ít, không có tăng ca, thu nhập của gia đình tôi giảm hẳn".
Bà Lê Thị Lộc ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương trao đổi với PV |
Cũng theo anh Quý, từ khi tiếp nhận thông tin về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ, gia đình anh cũng như những người trong tổ thợ đã làm đơn gửi chính quyền địa phương. "Hy vọng trong thời gian tới, tiền hỗ trợ theo Nghị Quyết 42/ NQ- CP Chính phủ sẽ đến tay người dân bị ảnh hưởng như chúng tôi" - anh Quý nói.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị Quyết số 42 của Chính phủ, các địa phương đã nỗ lực ra quân tiến hành rà soát, lập danh sách.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động thương Binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị liên quan đã rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp chính sách của Nhà nước theo quy định.
Đối với các đối tượng ngành đang quản lý, hưởng chính sách chi trả trợ cấp xã hội như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công đã dự kiến gói hỗ trợ. Song khó khăn nhất vẫn là các đối tượng lao động tự do, lao động tạm mất việc làm, các hộ kinh doanh thu nhập thấp.
Hiện tỉnh đã duyệt kế hoạch. Đầu tháng 5 này, tiền hỗ trợ sẽ được phát đến tay người dân. Quan điểm của ngành là phải làm nhanh, khẩn trương nhưng phải đảm bảo tính chính xác, công bằng".
Tác giả: Gia Hân
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội