Bộ LĐTB&XH vừa trình Chính phủ phê duyệt Quyết định về quy trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong dự thảo được trình lên, Bộ nêu rõ trình tự người lao động cần làm để được hưởng gói hỗ trợ về an sinh xã hội.
Theo đó, nguyên tắc hỗ trợ hướng tới những trường hợp bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của Covid-19. Một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian có dịch cũng nằm trong diện hưởng chính sách này.
Lao động có hợp đồng bị mất việc nhận hỗ trợ ra sao?
Theo dự thảo, điều kiện để người lao động có hợp đồng được hưởng trợ cấp là phải có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, những người này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nếu đủ các điều kiện trên, người lao động có thể nhận mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với khoảng thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng hoặc bị nghỉ việc không lương do ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng nếu đủ hồ sơ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Hồ sơ đề nghị được hỗ trợ của người lao động gồm: Đơn đề nghị; Bản sao hợp đồng lao động; Văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương; Danh sách người lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương do người sử dụng lao động lập, có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở và cơ quan bảo hiểm xã hội; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Để nhận được trợ cấp, người lao động cần gửi hồ sơ này đến người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động lập bảng tổng hợp danh sách và phải công khai danh sách này tại doanh nghiệp.
Trong thời hạn 3 ngày, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác nhận danh sách. Sau đó, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở UBND huyện nơi mà doanh nghiệp đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất.
Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định hỗ trợ trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động trong 2 ngày tiếp theo.
Như vậy, tính từ lúc người lao động gửi đề nghị (theo đúng quy định), tối đa trong 10 ngày làm việc, họ sẽ được nhận hỗ trợ.
Trong trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lao động tự do nhận hỗ trợ thế nào?
Trong dự thảo được trình lên Thủ tướng, Bộ LĐTB&XH cũng đề cập đến cách thức nhận hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm.
Đây là những lao động tự do, làm một trong các công việc như: Bán hàng rong; Buôn bán lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái môtô 2 bánh hoặc xích lô chở khách; Bán lẻ vé số lưu động.
Ngoài ra, những người tự làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch... cũng được xếp vào nhóm lao động tự do.
Những trường hợp thuộc nhóm này có thể được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng với phương thức chi trả theo tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, kể từ ngày 1/4.
Lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hải Nam. |
Quy trình nhận hỗ trợ của những người này là sau ngày 15 hàng tháng, người lao động tự do có nhu cầu gửi Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu (được đính kèm trong Quyết định) đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp.
Hàng tháng, trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được giấy đề nghị của người lao động, UBND cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
Trong thời gian 2 ngày làm việc, UBND xã niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ. Sau đó, UBND xã tổng hợp danh sách trường hợp không có khiếu kiện, thắc mắc kèm theo hồ sơ đề nghị của từng người lao động gửi UBND cấp huyện; đồng thời tiến hành xác minh những trường hợp có ý kiến khiếu kiện, thắc mắc.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách của UBND xã, UBND cấp huyện thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị của UBND huyện, UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện việc chi trả cho người lao động trong 2 ngày tiếp theo.
Như vậy, đối với nhóm này, tính từ lúc gửi đề nghị (theo đúng quy định), tối đa trong 14 ngày làm việc, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ.
Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bên cạnh các nhóm trên, dự thảo của Bộ Lao động còn đưa ra quy trình nhận hỗ trợ cho những đối tượng khác như: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho nhân viên; Hộ kinh doanh; Người có công với cách mạng; Đối tượng bảo trợ xã hội và Hộ nghèo, cận nghèo.
Căn cứ trên đề xuất của Bộ LĐTB&XH, Chính phủ sẽ quyết định và ban hành quy trình nhận hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng nêu trên.
Ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Tại dự thảo được trình lên Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đề xuất các mức hỗ trợ cho từng đối tượng trong nhóm thụ hưởng như sau: - Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương. Mức hỗ trợ: 1,8 triệu/tháng. - Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu/năm bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/hộ/tháng. - Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/tháng. - Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do). Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/tháng. - Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người. - Đối tượng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng. - Hộ nghèo, cận nghèo. Mức hỗ trợ: 250.000 đồng/người/tháng. Dự thảo cũng nêu rõ quy định cụ thể về việc cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: zing.vn