Hình ảnh cầu tàu xây dựng lấn chiếm lòng sông. Ảnh: Ngọc Hưng |
Lấn sông làm cầu cảng
Theo thống kê, hiện xã Quảng Nham có hơn 300 tàu thuyền công suất lớn, nhỏ khai thác thuỷ hải sản xa bờ, với hơn 1000 lao động hoạt động nghề cá tại địa phương với mức thu nhập từ 4- 6 triệu đồng/tháng. Từ khi cảng cá Quảng Nham được đưa vào sử dụng, mỗi ngày cảng cá đón nhận hàng chục lượt tàu thuyền ra vào mỗi ngày để tiêu thụ hải sản.
Thế nhưng, trong mấy năm trở lại đây, tình trạng cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng khiến cho việc ra vào, vận chuyển ngư lưới cụ và neo đậu tàu thuyền mỗi khi có mưa bão trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, việc trông coi ngư lưới cụ, tàu thuyền và vận chuyển hải sản trở nên khó khăn vì tàu thuyền phải nằm cách xa bờ.
Trước thực trạng đó, UBND xã Quảng Nham đã cho hàng chục hộ dân thuê từng đoạn sông rồi tự bỏ tiền đầu tư xây dựng cầu tàu, lán trại lấn ra lòng sông hàng chục mét để làm dịch vụ trong coi tàu, thuyền gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê biển, cản trở dòng chảy.
Theo quan sát, đoạn cảng cá Quảng Nham chạy dọc tuyến đê sông Yên qua thôn Thuận, thôn Tiến, thôn Đức có hơn 50 cầu tàu được xây dựng nổi trên lòng sông bằng cột bê tông cốt thép, mỗi cầu tàu cách nhau khoảng 50m. Trên mỗi cầu tàu, người dân xây dựng các lán trại có diện tích từ 10- 30m2. Các cây cầu này thường rộng từ 1-1,5m, chiều dài hướng ra lòng sông từ 20- 60m. Bên cạnh đó một số hộ dân còn xây dựng giàn phơi hải sản và để ngư lưới cụ ngay trên mái kè, triền đê.
Quy định một đàng, xã làm một nẻo
Việc UBND xã Quảng Nham chia từng đoạn sông Yên đoạn chảy qua thôn Thuận, thôn Tiến, thôn Đức của xã Quảng Nham thành từng lô cho người dân để xây dựng công trình cầu tàu, lán trại bằng bê tông cốt thép lấn ra lòng sông hàng chục mét làm bến trông coi tàu thuyền, gây cản trở dòng chảy thoát lũ là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cũng là người trực tiếp ký hợp đồng với các hộ dân cho rằng: “Việc xây dựng cầu tàu, bến bãi trên lòng sông như vậy là do người dân tự phát xây dựng và xây dựng vi phạm pháp luật”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra các hợp đồng do ông Lờ đại diện UBND xã ký cho các hộ dân thuê mặt bằng thì ông Lờ giải thích: “Đúng là việc UBND xã ký hợp đồng cho 49 hộ dân thuê và việc các hộ dân thuê như thế là sai quy định. Nhưng do Nghị quyết HĐND xã đã có và thống nhất tổ chức cho dân thuê mặt bằng nên chúng tôi mới thực hiện. Tiền thu về thì nộp vào ngân sách xã chứ không tiêu đi đâu cả”.
Ông Nguyễn Đình Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo, đồng thời giao UBND xã Quảng Nham phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các công trình vi phạm. Về việc UBND xã Quảng Nham ký hợp đồng cho người dân thuê mặt bằng trong phạm vi sông, huyện sẽ chỉ đạo xã phải hủy bỏ các hợp đồng; đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm”.
Vừa qua, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở xã Quảng Nham. Trong chuyến thị sát này, trước thực trạng đang diễn ra tại xã Quảng Nham, ông Xứng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, UBND huyện Quảng Xương cùng các ngành liên quan tổ chức xử lý vụ việc. Tuy nhiên, hiện nhiều công trình vẫn chưa được tháo dỡ. Bởi người dân cho rằng, chính quyền xã cho phép họ làm, nay lại đổ cho dân tự ý xây dựng, xây dựng trái phép, phải tháo dỡ mà không được hỗ trợ, đền bù là không thỏa đáng và yêu cầu chính quyền xã phải hỗ trợ, bồi thường cho người dân.
Tác giả: Ngọc Hưng - Viết Huy
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội