Trong tỉnh

Quảng Xương - Thanh Hóa: Người dân khổ sở vì xưởng tái chế nhựa hoạt động “chui” gây ô nhiễm

Thời gian qua, người dân thôn Trung Phong, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phải chịu cảnh phải sống chung với mùi hôi thối và tiếng ồn do cơ sở tái chế nhựa hoạt động “chui” gây ra. Mặc dù họ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện khiến bà con vô cùng bức xúc...

Ô nhiễm không khí do xả khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối bốc ra từ xưởng chế biến nhựa tái chế khiến cuộc sống người dân thôn Trung Phong bị đảo lộn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đầu độc cuộc sống người dân

Báo Nhà báo & Công luận nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân sinh sống tại thôn Trung Phong, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí do xả khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối bốc ra từ xưởng chế biến nhựa tái chế khiến cuộc sống của bà con nơi đây bị đảo lộn, phải sống trong cảnh “cửa đóng then cài” mỗi lần cơ sở này hoạt động.

Trong đơn, các hộ dân cho biết, từ tháng 3/2018 có một cơ sở sản xuất và tái chế nhựa được xây dựng ngay trong thôn, gần khu dân cư, hoạt động cả ngày lẫn đêm, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây khu đất này được UBND huyện Quảng Xương cho hộ ông Nguyễn Văn Sỹ thuê trong vòng 49 năm năm để sản xuất kinh doanh nước đóng chai tinh khiết. Sau đó, do làm ăn thua lỗ, cơ sở này đã phải ngừng sản xuất 1 thời gian dài. Đầu tháng 3/2018, ông Nguyễn Văn Sỹ cho 1 đơn vị nước ngoài thuê lại khu đất trên làm nơi mua bán, tập kết phế liệu bẩn để tái chế ra sản phẩm hạt nhựa

Cơ sở tái chế nhựa nằm ngay cạnh nhà dân. Ảnh Người dân cung cấp.

Việc sang nhượng lại đất và hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nhựa tại đây chưa hề được cơ quan chức năng cho phép; đồng thời hoạt động tái chế nhựa vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm quy định về khoảng cách từ nơi sản xuất đến khu dân cư tối thiểu là 500 mét…, nhưng chủ cơ sở vẫn không bị chính quyền xã, huyện xử lý. Cơ sở này có một nhóm khoảng 5 người nước ngoài (theo bà con ở đây - là người Trung Quốc) đang trực tiếp sản xuất.

“Ban ngày bầu không khí khó chịu nồng nặc mùi ô nhiễm, nhiều hộ gia đình đã phải mua khẩu trang y tế về đeo ngay cả khi đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Ban đêm thì tiếng ồn của máy móc kèm theo mùi hôi khét từ cơ sở sản xuất này làm cho nhiều hộ gia đình không thể ngủ nhất là hộ gia đình có con nhỏ. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chúng tôi không thể sống nổi, chắc phải chuyển nhà đi nơi khác”, một hộ dân thôn Trung Phong bức xúc cho biết.

Theo quan sát của PV, cơ sở tái chế nhựa này nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, chỉ cách các hộ dân một bức tường rào. Không chỉ có khói độc hại; tiếng ồn lớn phát ra trong quá trình sản xuất cũng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Khu vực xử lý nước thải đều là những ao, bể chứa được đào đắp, xây dựng rất sơ sài. Dưới các ao, bể chứa là dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

PV làm việc với người dân thôn Trung Phong.

Bà Mai Thị Thu, trú thôn Quang Phong bức xúc: “Nhà tôi nằm ngay phía sau cơ sở tái chế phế liệu này quanh năm phải ngửi mùi khó chịu từ cơ sở này. Mỗi khi gặp luồng gió, mùi nhựa ni long bị đốt cháy khét bay thẳng vào nhà, người già và trẻ nhỏ đau đầu, khó thở. Bà con ở đây nhiều người phải nhập viện với các bệnh liên quan đến đường hô hấp do ô nhiễm từ cơ sở tái chế phế liệu này. Mấy đứa nhỏ ở đây, có đứa 3 tháng tuổi đã phải nhập viện vì viêm phổi do hít phải khói ô nhiễm”.

Ông Mai Đình Quy, cũng là một người dân trong thôn cho biết thêm: “Quá bức xúc trước tình trạng này, hơn 150 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã có đơn kiến nghị gửi đến các ngành chức năng của huyện Quảng Xương và tỉnh Thanh Hóa nhưng vụ việc vẫn chưa chấn chỉnh. Đã có đoàn cán bộ của xã xuống kiểm tra cơ sở này, nhưng chủ cơ sở bất hợp tác, cho bảo vệ khóa chặt cổng nên kể cả cán bộ cũng không vào được. Mỗi khi có người khả nghi, cơ sở này lại tạm dừng sản xuất, được một thời gian ngắn khi sự việc tạm lắng thì lại tái diễn tình trạng ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn, hành hạ cả thôn”.

Giải pháp xử lý còn…nằm trên giấy?

Để tìm hiểu thêm thông tin, ngày 15/5 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phong.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho hay, thông tin phản ánh cơ sở này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là đúng .

Tại buổi làm việc ông Hưng cho hay, thông tin phản ánh cơ sở này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là đúng:

“Khoảng đầu tháng 3, chúng tôi (tức UBND xã Quảng Phong - PV) đã nhận được phản ánh và đơn thư của người dân phản ánh về cơ sở đang sản xuất và tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Phía UBND xã đã tiến hành kiểm tra và đã 2 lần làm báo cáo gửi UBND huyện Quảng Xương đề nghị các cơ quan chức năng của huyện xuống giải quyết vì vượt quá thẩm quyền của xã, nên PV cứ lên UBND huyện để nắm bắt thông tin”.

Tiếp đó, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương. Ông Dự cho biết: “Tôi mới nhận được được chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện vào chiều tối ngày hôm qua và tôi đã giao cho văn phòng làm văn bản để giao cho phòng TNMT tiến hành kiểm tra, xử lý và báo cáo UBND huyện".

Khi phóng viên đề nghị UBND huyện cung cấp toàn bộ hồ sơ, hợp đồng cho thuê đất và các giấy tờ liên quan đến cơ sở của ông Nguyễn Văn Sỹ, ông Dự nói đã chỉ đạo phòng TNMT: “PV cứ xuống chắc họ sẽ có thông tin và cung cấp hồ sơ”.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của PV, sau nhiều lần tìm gặp cũng như liên lạc với ông Mã Văn Thanh - Trưởng phòng TNMT (và cả Phó phòng TNMT), nhưng các vị này đều viện nhiều lý do “bận công tác cơ sở”, “chưa thu thập đủ hồ sơ” để cố tình thoái thác, đùn đẩy cho nhau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả khi có công văn chỉ đạo số 576/UBND–TNMT của UBND huyện do ông Nguyễn Đình Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 15/5/2018, cơ sở này vẫn tiếp tục cho máy móc hoạt động, xe trọng tải lớn ra vào tấp nập như bình thường và vẫn sử dụng lao động người nước ngoài tại địa phương như chưa có chuyện gì xảy ra.

Dư luận nghi ngờ, vì sao việc cơ sở sản tái chế nhựa "chui" này ngang nhiên hoạt động xả thải ra môi trường mà không bị xử lý? Phải chăng có sự bao che, cố tình làm ngơ của chính quyền huyện Quảng Xương?

Liệu văn bản chỉ đạo của UBND huyện Quảng Xương có được thực hiện hay chỉ là những chỉ đạo “trên giấy”, còn người dân vẫn phải ngày đêm còn mong mỏi chờ kết quả? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan có thẩm quyền ở huyện Quảng Xương và tỉnh Thanh Hóa.

Báo Nhà báo & Công luận tiếp tục thông tin về việc này…

Tác giả: H. Lâm

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok