Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở các xã Hóa Quỳ, Xuân Quỳ, Tân Bình của huyện Như Xuân (Thanh Hóa), tổ tiên của người dân tộc Thái đã bám rừng, lập làng sinh sống đây hàng trăm năm.
Đến năm 1992, Vườn quốc gia (VQG) Bến En mới được thành lập, theo đó nhiều diện tích đất ở, đất canh tác của người dân trở thành vùng lõi và vùng đệm của VQG. Mặc dù, các cấp chính quyền đã có chủ trương giải quyết vấn đề này cho người dân nằm trong dự án. Tuy nhiên, do chưa được giải quyết nên nhiều năm nay, người dân sống trong thế đi cũng dở ở cũng không xong, cuộc sống khó khăn trăm bề.
Người dân phải chịu cảnh ngập lụt mỗi mùa mưa lũ |
“Chúng tôi đã sống nhiều đời tại đây, khi VQG Bến En được thành lập, tất cả các hộ bị khoanh vào khu rừng đặc dụng. Đã gần 30 năm nay, các hoạt động như cấp đất, xây nhà đều bị cấm, đất canh tác không có, các hộ lâm vào cảnh rất khó khăn”, bà Lương Thị Nguyện, trú tại thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, huyện Như Xuân cho hay.
Bà Nguyện cho biết thêm, nhiều đời nay các gia đình sống tại đây, giờ tích cóp muốn xây dựng, sửa sang lại nhà cũng không được, đất ở không được chấp nhận, đất sản xuất cũng không. Thậm chí, làm vườn thôi cũng bị cấm.
Anh Lương Văn Thiệp (SN 1971), ngao ngán cho biết, rất nhiều hộ gia đình trong thôn Thanh Bình đều chịu chung một nỗi khó khăn vất vả như vậy.
“Khó khăn nhất là muốn tăng gia sản xuất cũng không có đất. Nuôi trâu, bò cũng không được thả vào rừng vì thuộc đất vườn quốc gia. Muốn có vốn để sản xuất kinh doanh thì cũng không có gì để tín chấp vay ngân hàng. Thật sự khốn khó trăm bề. Chúng tôi chỉ có thể sống mỏi mòn chờ đợi một sự đổi thay”, anh Thiệp nói.
Theo ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Ban Quản lý VQG Bến En, sau khi có quyết định trở thành VQG Bến En, đơn vị đã lập đề án quy hoạch từ năm 2016, trình và xin ý kiến các bộ, ban. Tuy nhiên, đề án đã phải điều chỉnh nhiều lần, nên vấn đề trên của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
“Trải qua rất nhiều các thủ tục hồ sơ, ý kiến thẩm định, đến nay, vấn đề trên vẫn đang nằm ở Bộ NN&PTNT. Đơn vị cũng như huyện và tỉnh cũng có những cái khó, không đủ thẩm quyền để giải quyết”, ông Nghị nói.
Khó khăn chưa dừng ở đó, mỗi khi mùa mưa đến, nước sông Mực dâng cao khiến nhiều hộ dân bị ngập lụt, cô lập. Đồng thời, nhiều diện tích trồng lúa cũng bị ngập trong nước, không thể canh tác.
Ông Lương Quang Quyên, thôn Làng Mài, xã Bình Lương cho biết, gia tài của cả gia đình chỉ có có 4 sào ruộng nhưng thường xuyên bị ngập nước lòng hồ sông Mực. Bao năm qua làm vất vả vẫn không đủ ăn.
Theo ông Đinh Bình Phú, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lương, huyện Như Xuân, xã Bình Lương có 3 thôn vùng đệm và 2 thôn vùng lõi thuộc VQG Bến En, toàn xã có 14 hộ thiếu đất sản xuất, và một số hộ dù được cấp đất nhưng hay bị ngập lụt lòng hồ Sông Mực nên không thể sản xuất.
Theo thống kê, huyện Như Xuân có khoảng 56 hộ dân sống tại vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Bến En thuộc xã Hóa Qùy, xã Tân Bình và xã Bình Lương, các hộ dân sống ở đây từ trước khi thành lập VQG. Do quá trình quy hoạch VQG này người dân không được di chuyển ra ngoài ranh giới quy hoạch rừng đặc dụng, không được quy hoạch đất ở và đất sản xuất, đời sống của bà con nhân dân khó khăn.
Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân bày tỏ, địa phương rất mong các ngành tạo điều kiện cho bà con hỗ trợ sinh kế, giao đất cho địa phương quản lý để bàn giao cho nhân dân, thực hiện ổn định sinh kế cho dân.
Được biết, vừa qua, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có báo cáo chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn, trong đó có đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xem xét trình Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giảm 368,406 ha đất của VQG Bến En để giao đất lâu dài cho dân cư sống trong vùng lõi.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn