Đi không được, ở không xong
Năm 1992 Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa được thành lập, hàng trăm hộ dân thuộc 9 thôn, 3 xã của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, vốn sinh sống ổn định mấy chục năm trước bỗng bị khoanh vào khu rừng đặc dụng. Theo quy định, số hộ dân này phải di chuyển ra khỏi khu rừng đặc dụng, nhưng chính quyền địa phương nói không có kinh phí để hỗ trợ các hộ dân này di chuyển. Gần 30 năm qua, hàng trăm hộ dân này “đi không được mà ở không xong”, chẳng khác nào “mắc lầy trên cạn”.
Bí thư Huyện ủy Dương Văn Mạnh nói đã gần 30 năm người dân rơi vào tình cảnh này. |
Trong ngôi nhà sàn đã hơn 50 năm gắn bó với mình, bà Lương Thị Nguyện (77 tuổi, vợ liệt sĩ) ở thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, huyện Như Xuân nhìn về phía con nước hồ Bến En, buồn rầu, “Nước sắp ngập lên rồi mà chưa biết sẽ đi đâu. Cả đời gắn bó với nơi này, nhưng giờ nhà cửa có cũng như không, chẳng ai thừa nhận, đất sản xuất thì không có. “Quanh đây là đất vùng cấm hết. Không có đất làm ăn, phát vườn thôi cũng bị cấm, khổ lắm” bà Nguyện nghẹn ngào.
Nhà bị hỏng vào rừng chặt cây về sửa chữa thì bị quy thành lâm tặc; cây trồng đến thời kỳ thu hoạch thì bị cấm; con lớn xây dựng gia đình cũng không thể tách hộ, làm nhà… bởi nơi họ ở đã trở thành đất rừng đặc dụng. Ông Lương Văn Hiêm, năm nay đã ngoài 80 tuổi, cho rằng “Chúng tôi ở đây trước khi vườn quốc gia được thành lập. Cuộc sống đang yên ổn thì bỗng dưng đất nương, vườn tược trở thành rừng đặc dụng. Nếu vậy nhà nước phải có chính sách giải quyết, không lẽ bỏ mặc hàng trăm hộ dân như thế này?”. Đất canh tác không có, hàng trăm hộ dân không biết làm gì để sinh sống. “Bước chân ra khỏi nhà là đất vườn quốc gia. Cần phải giải quyết để chúng tôi có ổn định cuộc sống” ông Hiêm đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Nguyên PCT xã Tân Bình lo lắng cuộc sống người sẽ thế nào. |
Cần giải cứu 517 hộ dân khỏi “vũng lầy”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có 517 hộ của 9 thôn, 3 xã, huyện Như Xuân đang sinh sống xen kẽ trong diện tích vùng lõi đã giao cho Vườn quốc gia Bến En quản lý. Những hộ dân này đã sinh sống gần trăm năm nay và phải được di chuyển, tái định cư nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Lãnh đạo huyện Như Xuân xác nhận, chính quyền đã xây dựng phương án di dời số hộ dân này ra khỏi khu rừng đặc dụng, nhưng kinh phí quá lớn nên chưa làm được. Vì vậy nếu xác định ổn định cuộc sống của người dân tại chỗ chỉ còn cách đề xuất Chính phủ tách một phần diện tích rừng đặc dụng để giao cho người dân.
Ông Lương Văn Hiêm đã gắn bó cả cuộc đời với cánh rừng này. |
“Trước đây tỉnh đã tính phương án di dời rồi nhưng do kinh phí không đảm bảo nên dừng lại và phải tính đến phương án tại chỗ. Chúng tôi cũng mong muốn sớm được thực hiện để giao đất cho dân sản xuất, cấp sổ đỏ cho họ” ông Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Như Xuân mong muốn.
Vì sao hàng trăm hộ mắc lầy trên mảnh đất của mình trong hời gian dài như vậy. Ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En cho biết, sau khi có quyết định Vườn Quốc gia Bến En, đã lập đề án quy hoạch từ năm 2016 và trình, xin ý kiến các bộ, ban, ngành chức năng, nhưng liên tục phải điều chỉnh nhiều lần.
“Rất là nhiều thủ tục, ngày 8/7 vừa rồi là giải trình mới nhất, hồ sơ thì không vấn đề gì. Có nghĩa việc này làm tập trung mấy năm vừa rồi, nhiều ý kiến thẩm định nhưng đến nay vẫn đang nằm ở Bộ NN&PTNT. Chúng tôi ở đây có những cái khó, tỉnh cũng khó, giải trình nhiều nhưng vì không đủ thẩm quyền giải quyết” ông Nghị nói.
Cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En đang ngày một khó khăn, bế tắc, số hộ nghèo tiếp tục tăng lên, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chỉ có sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mới có thể “kéo” được hàng trăm hộ dân nơi đây thoát khỏi “vũng lầy” mà họ đã “mắc kẹt” suốt gần 30 năm nay./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV