Trong nước

Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

Hôm nay 11/6, tròn 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. 70 năm, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu trái tim người dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ trong bảo vệ và dựng xây đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, Hà Nội tháng 5/1962. Ảnh: Tư liệu.

70 năm trước, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Vì sao Người lại ra Lời kêu gọi thi đua vào lúc nước sôi, lửa bỏng như vậy? Là bởi, hơn ai hết, Bác hiểu rất rõ giá trị sức mạnh to lớn của thi đua yêu nước và truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc ta. Nếu truyền thống đó được phát huy và kết lại sẽ tạo thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ để vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, đưa dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi tên phong trào thi đua là “Thi đua ái quốc”, biến sức mạnh riêng lẻ của từng người thành sức mạnh của dân tộc và thời đại.

Đáp lời hiệu triệu của Người, toàn thể nhân sĩ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và những thành tích to lớn trong các cuộc kháng chiến kiến quốc. Thế là các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp ở các vùng miền và thu hút tầng tầng, lớp lớp nhân dân tham gia. Kết quả nhìn thấy rõ trong việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác chính là tăng trưởng kinh tế. Nếu trước năm 1950 thu ngân sách chỉ đảm bảo 25% chi ngân sách thì đến năm 1950 thu đảm bảo 50% ngân sách, năm 1951 đảm bảo 75%, 1952 thu gần ngang chi đến 1953 thu vượt chi (103%).

Ngày nay, thực hiện lời Bác, những năm qua, các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và toàn diện. Các phong trào thi đua được phát động theo từng nội dung, lĩnh vực cụ thể, phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển của đất nước, điển hình là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Xóa đói, giảm nghèo, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”...

Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả quan trọng.

Để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, đóng góp hiệu quả hơn nữa trong công cuộc hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế tất nhiên không thể thiếu các phong trào thi đua. Muốn vậy, thi đua phải thực sự có sức hút kéo người người, ngành ngành vào các phong trào này để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Muốn làm được điều này chỉ có thể là đổi mới các phong trào thi đua, tránh bệnh thành tích, “chạy” thi đua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng: Biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Cần chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác. Bởi, theo Tổng Bí thư có khen thường kịp thời đúng người đúng việc mới động viên, khuyến khích người dân vì ái quốc mà thi đua.

Trong bài viết của mình nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng của công tác thi đua đó là: “Thông qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện các điển hình, nhân tố mới, các tấm gương người tốt, việc tốt, để động viên, khen thưởng và nhân rộng. Việc khen thưởng cần bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp; khen thưởng đột xuất cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan tâm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...”

Thực hiện mong ước của Bác Hồ kính yêu xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng, tích cực tham gia các phong trào thi đua, thể hiện tinh thần thi đua ái quốc trong từng hành động cụ thể. Và những hành động cụ thể này cần được làm một cách thường xuyên liên tục. Đặc biệt với cán bộ- những công bộc của dân càng phải hành động, hành động hơn nữa để làm gương, tạo sức lan tỏa cho các phong trào thi đua.

Có thể nói, lòng yêu nước luôn tự nhiên sẵn có, mạch ngầm yêu nước luôn chảy trong tim mỗi người. Vấn đề là phải tìm cách khơi gợi, để mỗi người ý thức trách nhiệm của mình, biến tình yêu trong từng người riêng lẻ thành sức mạnh tổng hợp giúp đất nước hóa rồng, hóa hổ sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Ban Tổ chức các ngày Lễ lớn TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ khai mạc triển lãm ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh tích cực thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ”, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Triển lãm trưng bày gần 100 bức ảnh tư liệu được chọn lọc để phản ánh Lời kêu gọi của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Cũng dịp này, tại khu vực đường Đồng Khởi, quận 1, du khách tham quan được tìm hiểu về những hình ảnh, tư liệu chủ đề “Thi đua xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển, văn minh, hiện đại”.

Quang Minh

Tác giả: Nguyên Khánh

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok