Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân là nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi. |
Để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào phát triển, các cấp hội nông dân huyện Như Xuân đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, triển khai nhiều dự án nông - lâm nghiệp, sáng kiến, kinh nghiệm hay trong lao động sản xuất để hội viên, nông dân học tập. Đồng thời, đứng ra tín chấp mua được 258 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm cho 2.350 hộ nông dân, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký ủy thác và tín chấp cho hội viên vay 114,6 tỷ đồng để cho 5.235 hộ hội viên vay đầu tư SXKD; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở 165 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, huyện Như Xuân có 2.938 hộ nông dân đăng ký SXKDG các cấp và đã có 2.288 hộ được công nhận, trong đó đạt cấp tỉnh 111 hộ, cấp huyện 437 hộ và cấp xã 1.740 hộ. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân SXKDG cao là xã Xuân Bình, Bình Lương, Xuân Hòa, Bãi Trành, Thượng Ninh, Cát Vân...
Từ phong trào SXKDG đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu trong SXKD, điển hình như hội viên Đào Bá Thu, thôn Lúng, thị trấn Yên Cát với ngành, nghề kinh doanh là dịch vụ ăn uống, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Gia đình ông có hệ thống nhà hàng ăn uống kết hợp chăn nuôi lợn thịt với quy mô chuồng trại 80 con lợn, có diện tích trồng keo nguyên liệu trên 40 ha, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng/năm.
Hộ ông Nguyễn Trọng Đức, thôn Phú Lễ, xã Yên Lễ với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với 7 ha keo, 0,5 ha lúa nước, 1,5 sào ao thả cá, 25 con bò, 8 con dê, 25 con lợn, trên 150 con gia cầm, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về 220 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động. Hộ ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân với mô hình trang trại tổng hợp.
Gia đình có tổng diện tích đất là 64 ha, trong đó 59 ha trồng keo, 1 ha trồng thanh long, 2 ha trồng cam, bưởi, ổi, 1 ha mía ép nước, 1 ha ao thả cá; chăn nuôi có 32 con bò, 25 con dê, bên cạnh đó gia đình ông còn có máy múc, máy làm đất và xe tải vận chuyển nông sản... Từ mô hình này gia đình ông Tuấn đã tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ, trừ chi phí thu về trên 300 triệu đồng/năm...
Có thể nói, phong trào nông dân thi đua SXKDG ở huyện Như Xuân đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sức lan tỏa rộng rãi và thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Phong trào đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tác giả: Xuân Minh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử