Trong tỉnh

Sau bản án, công lý vẫn chưa được thực thi trọn vẹn?

Dù đã thắng kiện, nhưng hơn một năm qua, gia đình ông Nguyễn Thanh Minh (SN 1968), trú tại thôn 3, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa được UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá hoàn thành việc thi hành bản án của Toà án nhân dân cao cấp tại Hà Nội và Quyết định của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá).


Theo bản án số 97/2022/HC-PT, ngày 5/4/2022 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, quyết định: Huỷ một phần Quyết định phê duyệt bồi thường số 2595/QĐ-UBND ngày 22/112019 của UBND huyện Như Thanh và huỷ một phần Quyết định giải quyết khiếu nại số 522/QĐ-UBND ngày 5/3/2020 của Chủ tịch UBND huyện Như Thanh. Đồng thời, buộc UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá “thực hiện việc bồi thường giá trị đầu tư vào đất còn lại” và “thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các loại cây cối, hoa màu chưa được áp dụng giá bồi thường theo Biên bản kiểm kê ngày 23/10/2019 theo đúng quy định của pháp luật” cho gia đình ông Nguyễn Thanh Minh (SN 1968), trú tại thôn 3, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Tiếp đó, ngày 7/5/2023, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 01/2023/QĐ-THA “Buộc thi hành án hành chính” đối với Chủ tịch UBND và UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá về các nội dung đã nêu tại Bản án số 97/2022/HC-PT của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá có trách nhiệm thi hành án ngay sau khi nhận được Quyết định này và thông báo kết quả cho Toà án biết. Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá còn yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, UBND huyện Như Thanh theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin ông Nguyễn Thanh Minh cung cấp, ngày 5/9/1993, gia đình ông Minh có Đơn xin chứng nhận trồng rừng với diện tích khoảng 3ha quanh khu vực chùa Phủ Na, có xác nhận của Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Thành và Chủ tịch UBND xã Xuân Du. Năm 2003, theo chủ trương của UBND huyện Như Thanh về phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia đình ông Minh vay mượn tiền để đầu tư và đăng ký: Trang trại lâm nghiệp 6,3ha; trang trại chăn nuôi 500m2; trang trại trồng cây hằng năm 2,5ha; trang trại trồng cây lâu năm 5,2ha; trang trại thủy sản 0,4ha và trang trại tổng hợp 2,7ha. Ngày 25/10/2004, gia đình ông Minh được Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cấp Giấy chứng nhận trang trại tổng hợp số 09/2004/GCNTT.

Ngày 31/5/2019, UBND huyện Như Thanh có Thông báo số 40/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Ngày 22/11/2019 UBND huyện Như Thanh ban hành Quyết định số 2594/QĐ-UBND về việc thu hồi đất thực hiện dự án và ngày 22/11/2019 UBND huyện Như Thanh ban hành Quyết định số 2595/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường. Theo đó, diện tích gia đình ông Nguyễn Thanh Minh bị thu hồi khoảng 3ha để làm đền và khuôn viên xung quanh.

Ông Minh phản ánh, bị thu hồi đất nhưng gia đình ông không được UBND huyện Như Thanh bồi thường tiền công cải tạo, chi phí đầu tư vào đất còn lại; không bồi thường 26 loại cây trồng và một hàng rào cây xanh, còn áp giá sai một số hạng mục kiến trúc đã kiểm kê ngày 23/10/2019; không kiểm đếm mương đào và không có phương án hỗ trợ khi thu hồi đất cho gia đình ông theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhận thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, ông Minh đã có đơn khiếu nại và tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 522/QĐ-UBND ngày 5/3/2020 của Chủ tịch UBND huyện Như Thanh đã quyết định không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của gia đình ông Minh. Do vậy, ông Minh đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá giải quyết. Vụ việc được Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá thụ lý, giải quyết tại Bản án số 87/2020/HCST ngày 11/12/2020. Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25/12/2020, ông Nguyễn Thanh Minh có đơn kháng cáo lên Toà án nhân dân cấp trên. Kết quả, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã buộc UBND huyện Như Thanh huỷ một phần của 2 quyết định đã ban hành và đền bù tài sản, kiến trúc; chi phí vào đất còn lại; đền bù cây cối cho gia đình ông Nguyễn Thanh Minh theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Minh trồng cây xà cừ từ lúc chỉ bằng ngón tay cái, nay gốc xà cừ phải gần 2 người ôm mới xuể.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Bản án của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội buộc UBND huyện Như Thanh và Chủ tịch UBND huyện Như Thanh thi hành 5 nội dung thì đến nay đã thi hành xong 3 nội dung còn 2 nội dung chưa thực hiện được, vì đang gặp nhiều vướng mắc.

Về nội dung “thực hiện bồi thường giá trị đầu tư vào đất còn lại”, bà Hoa cho biết: “Chúng tôi đề nghị ông Minh cung cấp hồ sơ quá trình cải tạo đất (hoá đơn, chứng từ thuê mướn nhân công, máy móc…) nhưng ông Minh không cung cấp được bất cứ hồ sơ gì. Tiếp đó, chúng tôi yêu cầu ông Minh làm văn bản xin Nhà nước hỗ trợ tiền chi phí đầu tư vào đất còn lại, để có cơ sở mới bồi thường, hỗ trợ nhưng ông Minh không làm. Ông Minh đưa ra yêu cầu, Nhà nước bồi thường cho gia đình ông 300 triệu tiền chi phí vào đất còn lại. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Minh không được UBND huyện Như Thanh chấp thuận.

Về nội dung bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu chưa áp giá đền bù cho gia đình ông Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, bà Lê Ngọc Hoa, cho biết: Năm 2019, việc bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thực hiện theo Quyết định 4437/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá nhưng từ năm 2020, Quyết định này đã được thay bằng Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, năm 2019 số cây kiểm đếm cho gia đình ông Minh có 40 loại, đã áp giá đền bù 14 loại cây, còn 26 loại cây chưa áp giá, đền bù. Đáng chú ý, trong số 26 loại cây còn lại có cây Lược vàng (số lượng 120.000 cây), theo Quyết định số 4437/2016 của UBND tỉnh Thanh Hoá, mỗi cây Lược vàng có giá trị 70.000 đồng, nếu nhân số tiền này với 120.000 cây thì số tiền đền bù riêng cây Lược vàng cho gia đình ông Minh là gần 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Quyết định số 11/2020 của UBND tỉnh Thanh Hoá, quy định “Đối với những dự án, hạng mục chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá tại Quyết định này”. Bản án số 97/2022 của gia đình ông Minh có từ năm 2022 huyện áp dụng theo Quyết định 11/2020, chứ không thể áp giá theo Quyết định 4437/2016 đối với 26 loại cây chưa đền bù cho gia đình ông Minh, bà Hoa cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Lê Ngọc Hoa, lý giải: “Chúng tôi đã làm việc với gia đình ông Minh về nội dung này nhưng ông Minh vẫn yêu cầu thực hiện theo Quyết định 4437/2016, trong khi quyết định đó đã hết hiệu lực. Ngoài ra, khi bản án về, vườn nhà ông Minh không còn cây Lược vàng. Bây giờ chuyển từ tính cây sang tính bằng mét vuông thì chẳng có cơ sở nào, vì cây Lược vàng không còn; thứ nữa Quyết định 11/2020 cũng không có hướng dẫn tính 1m2 bao nhiêu cây”? Bà Hoa nói, nếu theo Quyết định 4437/2016, phải đền cho gia đình ông Minh số cây còn lại là khoảng 9-10 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Quyết định 11/2020, việc tính đền bù theo mét vuông (5.000đ/m2), cho gia đình ông Minh (2.900m2 đất thu hồi) chỉ hết vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, trong số 26 cây chưa áp gia đền bù trước đó, nay theo Quyết định 11/2020, có nhiều cây không được áp giá đền bù, bà Hoa cho biết thêm.

Theo cách lý giải trên của đại diện UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá thì quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Thanh Minh đã được Toà án phân định chưa biết đến khi nào đòi được?! Ngoài ra, nếu buộc phải thực hiện việc đền bù cây cối, hoa màu cho ông Nguyễn Thanh Minh theo Quyết định 11/2020 thì quyền lợi hợp pháp của gia đình Minh tại thời điểm năm 2019 khi Quyết định 4437/2016 đang còn hiệu lực, ai sẽ chịu trách nhiệm?!

Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: cand.com.vn

  Từ khóa: thi hành án , Công Lý , bản án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok