Trong tỉnh

Người dân nơi cơn “đại hồng thủy” quét qua hối hả làm nhà đón Tết

Dù đã hơn 3 tháng sau khi cơn “đại hồng thủy” quét qua, nhiều người dân huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ do nhà cửa, tài sản đều đã trôi theo dòng nước. Những ngày này, bà con khắp các bản Poọng. khu tái định cư bản Qua, khu tái định cư bản Na Chừa tất bật dựng nhà để kịp đón Tết.

Hàng trăm căn nhà sập và hư hỏng

Chúng tôi trở lại huyện Mường Lát vào một ngày cận Tết. Người dân vùng lũ Mường Lát đến giờ họ vẫn chưa hoàn hồn sau cơn lũ lịch sử quét qua hồi đầu tháng 9/2018. Hàng trăm căn nhà bị nước lũ cuốn trôi và gây hư hỏng.

Theo UBND huyện Mường Lát, trong đợt lũ ống lũ quét hồi đầu tháng 9, toàn huyện có 104 hộ có nhà bị sập hoàn toàn, 92 nhà bị hư hỏng nặng từ 50-70%, 92 nhà hư hỏng từ 30-50%, 55 hộ phải di dời khẩn cấp. Tỉnh Thanh Hóa đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ dân mất nhà, phải làm lại nhà từ 30 đến 75 triệu đồng. Đối với các hộ có nhà bị ảnh hưởng của thiên tai, huyện Mường Lát vận động các hộ thực hiện việc xây dựng và sửa sang nhà cửa theo hình thức tái định cư xen ghép và tái định cư tại chỗ.

IMG20181206134115.jpg50576445_344600533062516_4890019024697556992_n.jpg

Sau lũ, người dân bản Poọng phải sống trong những căn lán dựng tạm.

Các khu tái định cư bao gồm bản Poọng, xã Tam Chung (89 hộ); khu tái định cư bản Qua, xã Quang Chiểu (32 hộ); khu tái định cư bản Na Chừa, xã Mường Chanh (69 hộ).

Với địa bàn đồi núi cao, dốc, khan hiếm đất ở, việc lựa chọn, san đồi để bố trí những vị trí thuận lợi cho bà con dựng nhà mới, tái thiết lại cuộc sống là việc không hề đơn giản. Hiện tại 3 khu tái định cư này đã hoàn thành xong việc san lấp nền và đang tiến hành xây dựng nhà cửa để kịp đón Tết.

50288881_404652050303262_3842483407510568960_n.jpg

69 hộ dân ở Na Chừa cũng phải ở trong những căn nhà dựng tạm bên sườn núi.

Được biết, đến đầu tháng 1/2019, huyện Mường Lát đã hỗ trợ khẩn cấp 811 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện cho các hộ có nhà sập hoàn toàn với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/nhà, đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ, xen ghép giữa các hộ.

Ấm tình quân dân nơi biên viễn

Cơn “đại hồng thủy” quét qua đã cuốn đi những căn nhà, những ngọn đồi, cuốn trôi đi cả những tài sản cả đời lam lũ của người dân bản. Bản làng tan hoang, hàng trăm công trình dân sinh như trường học, trạm xá, công sở, nhà văn hóa, các công trình giao thông thủy lợi của địa phương và gần 1000 ngôi nhà của nhân dân trên địa bàn huyện bị hư hỏng, vùi lấp hoặc trôi theo dòng nước lũ. Nhưng ở đó vẫn luôn sáng lên tình người, tình quân dân trong khó khăn hoạn nạn. Những ngày cận Tết, ở đâu trên khắp bản làng khi cơn lũ quét qua cũng thấy màu xanh áo lính.

50241553_751042605295170_8884213059493560320_n.jpg

Một số căn nhà ở bản Poọng xã Tam Chung gần được hoàn thiện.

Những ngày này, có mặt tại bản Poọng (xã Tam Chung), Na Chừa (xã Mường Chanh), ngay từ xa đã nghe tiếng cưa, đục rền vang khắp núi rừng. Các gia đình đang cố gắng hoàn thiện sớm căn nhà để có thể kịp đón Tết. Những căn nhà đang dựng lên như làm dịu đi những nhọc nhằn và nỗi đau trên gương mặt mỗi người dân vùng lũ.

Trực tiếp chỉ huy đơn vị giúp nhân dân địa phương trong những ngày vừa qua, Trung tá Trần Công Sơn Phó CHT, Tham mưu trưởng Trung đoàn 762, Bộ CHQS Thanh Hóa, cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sỹ đơn vị với quyết tâm rất cao phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương lo cho nhân dân, đảm bảo cho đồng bào sớm được về ở trong những ngôi nhà mới tại khu tái định cư trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi”.

IMGP7345.JPGIMGP7351.JPGGiúp dân dựng nhà mới khu Tái định cư1 (1).JPG

Những người thợ mang màu xanh áo lính đang nỗ lực giúp dân có căn nhà mới đón Tết.

Tại bản Na Chừa, xã Mường Chanh, các chiến sỹ Đoàn kinh tế Quốc phòng 5, quân khu 4 cũng đã dậy từ 3-4 sáng để dựng nhà cùng với người dân.
Ngôi nhà của gia đình ông Vi Văn Lợi (bản Na Chừa) đang được cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế Quốc phòng 5 và người dân trong bản dựng lên.

Ông Lợi không giấu được sự biết ơn: “Sau khi lũ về cuốn mất ngôi nhà – tài sản lớn nhất của cả gia đình, chúng tôi không biết phải xoay sở ra sao. Rất may được các chiến sỹ Đoàn 5, chiến sỹ biên phòng vào bản giúp bà con sơ tán đến nơi ở an toàn. Sau lũ, các anh lại giúp dân dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ lương thực thực phẩm và động viên những gia đình bị thiệt hại. Đến bây giờ lại giúp dân xây dựng nhà cửa, bà con chúng tôi biết ơn vô cùng”.

Trưởng bản Na Chừa – Vi Văn Chiêm cũng chia sẻ: “Bản có 69 hộ phải làm mới lại nhà thì có 44 hộ nghèo rồi, bà con sau lũ khó khăn chồng chất khó khăn. Được sự giúp đỡ, chia sẻ của chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội, biên phòng, các nhà hảo tâm, bà con đã dần vực lại sau lũ. Có lực lượng bộ đội Đoàn 5 giúp dựng nhà thì chúng tôi tin Tết này bà con sẽ có nhà mới để đón Tết”.

Đại tá Lê Thế Soái, Đoàn Trưởng Đoàn kinh tế Quốc Phòng 5 chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực giúp bà con hoàn thiện nhà cửa để kịp đón Tết nguyên đán. Ngoài việc giúp bà con san nền, tạo mặt bằng khu tái định cư, đào móng, dựng dựng nhà, chúng tôi còn cho lực lượng vào giúp bà con thu dọn vệ sinh môi trường khu vực ở tạm, đồng thời tổ chức phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh. Việc dựng nhà của bà con ở đây theo phong tục phải xem ngày giờ nên không kể ngày hay đêm, bất kể khi nào người dân cho biết thời gian là chúng tôi có mặt”.

Cũng theo Đại tá Soái thì để kịp tiến độ cho bà con đón Tết trong căn nhà mới, lực lượng bộ đội sẽ giúp dân làm theo kiểu cuốn chiếu, tập trung lực lượng làm những việc cần đông người trước rồi tiếp tục sang dựng căn nhà khác, những việc hoàn thiện như sàn, cửa, mái thì để nhân dân tự đổi công và giúp đỡ lẫn nhau.

Ông Lầu Minh Pó, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mường Lát khẳng định: “Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò LLVT đứng chân trên địa bàn. Đặc biệt là cán bộ chiến sỹ, tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5, thời gian qua mang đến cho đồng bào những gì họ đang cần, giúp cho đồng bào những gì họ đang thiếu, nói những gì mà đồng bào chưa hiểu, làm những gì mà đồng bào chưa thấy và coi đồng bào như người thân ruột thịt”.

Chúng tôi rời Na Chừa khi trời đã đứng bóng, những người thợ mang màu xanh áo lính vẫn miệt mài giúp bà con dựng nhà. Rồi đây, những ngôi nhà mới sẽ được dựng lên thay thế nhưng căn nhà đổ nát; những thửa ruộng sẽ xanh mướt; con đường vào bản cũng sẽ được làm lại từ bàn tay của những người lính và người dân vùng lũ sẽ kiên cường vượt qua gian khó để tiếp tục xây dựng một bản vùng biên khởi sắc.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok