Giáo dục

Huyện Mường Lát, Thanh Hóa: Tất cả học sinh đã đến trường sau lũ

Trên con đường còn in hằn dấu vết sau lũ, vẳng bên tai tiếng trống trường quen thuộc phát lên. Đó như một dấu hiệu của sự hồi sinh, nảy nở giữa ban mai nơi đại ngàn vùng biên Mường Lát. Những đứa trẻ bị tổn thương sau lũ, giờ đây đã đến trường với bộ quần áo mới, sách vở mới từ các tổ chức thiện nguyện...

Lớp mầm non ở bản Lìn (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) học nhờ tại nhà dân. Ảnh: Ngọc Hưng

Không còn nhà nhưng vẫn còn trường, lớp

Sau gần 1 tháng, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Mường Lát. Cơn “đại hồng thủy” của lũ ống, lũ quét kèm sạt lở đất kinh hoàng hồi cuối tháng 8 đã khiến cho mảnh đất vùng biên phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Mưa lũ đã khiến 5 người tử vong, 2 người mất tích, 139 hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, 313 hộ phải di dời, 226 hộ bị ảnh hưởng phải sơ tán. Nặng nề nhất là bản Poọng (xã Tam Chung) có tới 21 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 9 ngôi nhà bị đổ nghiêng, 33 nhà bị ngập bùn, sập đổ. Tại xã Quang Chiểu, 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 14 hộ dân phải di dời. Riêng về hạ tầng, các trường học bị sạt lở, hư hỏng là 15 trường và điểm trường, 25 đập thủy lợi, 15km kênh mương, 22 cột điện, điện thoại bị gãy đổ. Trong đó, thiệt hại nghiêm trọng về giao thông khi quốc lộ 15C từ km49 đến km110 bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc, với tổng chiều dài lên tới 10km. Tuyến đường từ Chiềng Nưa (xã Mường Lý) đi thị trấn Mường Lát bị sạt lở toàn tuyến, với 21 điểm bị đứt đường và 3km bị vùi lấp hoàn toàn...

Trong những thiệt hại to lớn đó, chuyện các học sinh không còn lớp, còn trường để học, nhà cửa không còn để ở. Sau lũ, các em lại bới lên từ đống bùn đất những cuốn sách cuốn vở lấm lem để phơi hóng khiến ai chứng kiến cũng không giấu được nước mắt. Ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát buồn buồn: “Sau lũ dữ là chuyện hàng nghìn học sinh và các thầy cô giáo vùng biên Mường Lát bước vào năm học mới (2018 - 2019). Năm nay có thể coi là năm khó khăn nhất với những bộn bề, thiếu thốn về trường, lớp, cơ sở vật chất... Nhiều khu dạy học, lớp ghép cũng như trang thiết bị, sách vở của học sinh bị đất đá vùi lấp...”.

Nhớ lại ngày khai giảng sau mưa lũ, ông Giang thở dài bởi chưa có năm học nào như năm nay, trận lũ lụt kèm sạt lở kinh hoàng ở hầu khắp các ngọn núi khiến toàn huyện có 32 trường học thì có tới 14 - 15 điểm trường bị ảnh hưởng nặng nề. 29 trường tổ chức được khai giảng trong ngày 5/9; 3 trường ở xã Mường Chanh phải khai giảng muộn do đường đi lại giữa các bản làng bị chia cắt. Có nhiều điểm trường xa xôi, cách trở như bản Ón (xã Tam Chung), Sài Khao (Mường Lý).... không có ngày khai giảng.

Trên đường đến Trường tiểu học Tam Chung, trước mắt chúng tôi là những đống bùn đất ngổn ngang hai bên đường. Nhưng từ sau tiếng trống trường khai giảng, thầy trò nhà trường đã bắt đầu việc dạy và học như chưa hề có một đại nạn vừa xảy ra. Thầy giáo Phạm Văn Lam - Phó Hiệu trưởng nhà trường kể lại: “Khoảng 6h45 sáng 30/8, các thầy, cô trong trường thấy nước từ đỉnh nút đổ về khác thường. Nhận thấy sự nguy hiểm, thầy cô nhà trường đã hô hoán các học sinh nhanh chân ra khỏi phòng lánh nạn. Vừa lúc 48 học sinh ra ngoài thì dòng lũ từ sườn núi kéo theo bùn đất ập vào”.

Thầy giáo Phạm Văn Kiên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Tam Chung thì bảo: “May mắn vô cùng là thời điểm lũ ập về không phải ban đêm, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra!”.

Theo thống kê, huyện Mường Lát có tới 112 điểm trường lẻ, đa phần đang còn khó khăn, thiếu thốn, các học sinh phải học dưới những mái tranh tre nứa lá... Song, dù không còn nhà do lũ cuốn trôi thì thầy cô vẫn phải cho các em một mái trường, có lớp, có bạn bè và con chữ...

Để tất cả các học sinh đều được đến trường

Ông Mai Xuân Giang đưa ra giải pháp, trước mắt Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường phải khẩn trương dọn dẹp vệ sinh lớp học để đảm bảo việc dạy và học. Những nơi còn chia cắt thì bố trí học ghép, học dồn. Những điểm trường không thể học thì bố trí dạy học tại nhà văn hóa, nhà dân... Về cơ bản, tất cả các học sinh đều đã được đến trường. Công tác dạy và học trước mắt tạm được ổn định, nhưng về lâu dài rất cần sự quan tâm, chung tay của các tổ chức thiện nguyện, của cộng đồng bởi con số thiệt hại đặc biệt về cơ sở vật chất, trường lớp học là rất lớn, ước tính hơn 40 tỉ đồng.

Ông Giang cũng cảm ơn các tổ chức, doanh nghiệp, những tấm lòng thơm thảo thời gian qua đã chung tay với bà con vùng lũ Mường Lát, đặc biệt là đối với học sinh. Nhờ những cuốn vở, cây bút, những bộ áo mới mà các em đã kịp tới trường. Trong đó, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã trao tặng 1.200 cuốn vở, quần áo, hơn 1.000 bút viết, 300 bộ đồ dùng học tập cho Trường PTDTBT-THCS Tam Chung...

Dù nhiều gia đình không còn nhà, nhiều trường lớp không còn nguyên vẹn nhưng Tết Trung thu vừa qua, tình cảm dành cho các học sinh vẫn được vun đầy. Đó là nhờ sự nỗ lực của thầy cô, của chính quyền và không thể thiếu vai trò của các tổ chức thiện nguyện như Tỉnh Đoàn, Hội Chữ thập đỏ cũng như nhiều tổ chức, doanh nghiệp... đã lên với các em, vui Trung thu cùng học sinh vùng lũ. Các em nhỏ không chỉ được đón nhận những món quà quen thuộc như đèn ông sao, bánh kẹo, mâm cỗ trông trăng... mà còn được tham gia những trò chơi dân gian, lắng nghe sự tích chú Cuội, chị Hằng, ông Trăng...

Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an huyện Mường Lát tổ chức trao tặng 280 chiếc bánh Trung thu, 100 chiếc đèn lồng và tổ chức Tết Trung thu sớm cho các cháu ở 2 Trường Mầm non Pù Nhi, Tam Chung. Chương trình cũng đã trao tặng 55 suất quà, 55 hộp bánh Trung thu và 1.000 cuốn vở cho các em nhỏ...

Ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát chia sẻ: “Những tấm lòng thơm thảo đã phần nào chung sức, chung lòng cùng thầy cô, chính quyền và nhân dân Mường Lát bớt đi đau thương, mất mát để sớm có thể gượng dậy hồi sinh sau lũ!” .

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok