Dự án (DA) Khu Du lịch Sinh thái Tiên Trang do Công ty TNHH SoTo (Cty SoTo) làm chủ đầu tư, là DA du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch các phân khu chức năng như: khu dân cư, biệt thự, Trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí sinh thái… và được chia làm 2 DA gồm: DA Khu du lịch, thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 26. 121. 000. 025, ngày 31 tháng 12 năm 2008, tại địa bàn các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, với tổng diện tích 427.000m2, chủ yếu là đất lâm nghiệp ven biển và một phần đất nông nghiệp; DA khu Đô thị du lịch ven biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, diện tích 448.631m2 (được phê duyệt tại Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 02/3/2011).
Sau 10 năm thực hiện, Dự án Khu Du lịch Sinh thái Tiên Trang tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương mới xây dựng được vài ba hạng mục nhưng vẫn còn dở dang. |
Ngay từ ngày DA được cấp phép đầu tư và khởi công xây dựng, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Xương và các xã trong vùng dự án, đặc biệt là xã Quảng Lợi đã rất phấn khởi và háo hức hy vọng cuộc sống ở vùng đất khó khăn này sẽ có nhiều thay đổi.
Thế nhưng, sau 10 năm kể từ khi dự án được duyệt, tất cả chỉ là viễn cảnh nằm trên giấy. Nơi đây mới chỉ có một khu quảng trường với vài ba hạng mục xây dựng còn dang dở, cỏ mọc um tùm và một số điểm kinh doanh dịch vụ tự phát, các bãi tắm chưa được quản lý, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… cũng chính vì tình trạng “dậm chân” của DA đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của bà con ngư dân nơi đây.
Con đường trục chính của dự án bị mãi không được hoàn thiện do người dân không giao mặt bằng |
Ông Lê Văn Viện, thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi bức xúc: "Từ ngày DA về, chưa giúp dân được gì, trái lại chỉ toàn làm khổ người dân. Đường xá hư hỏng, bụi mù, rừng phòng hộ chắn cát, chắn sóng bao đời này bị chặt bỏ, tài nguyên cát thì bị họ cho máy múc khai thác vận chuyển ngày đêm... người dân chúng tôi sinh sống ở đây đã không còn thấy an toàn khi mỗi mùa mưa bão về."
“Nếu trước đây người dân 3 thôn như Tiên Phong, Hồng Phong, Tiên Thắng có 8 con đường dân sinh phục vụ việc đi lại ra biển để đánh bắt cá thì đến nay chỉ còn duy nhất một con đường do chính người dân đấu tranh mãi mới giữ lại được. Phía Công ty họ đào hố, làm đường, chặn hết lối đi không cho người dân qua lại làm ăn. Nếu con đường duy nhất còn lại cũng bị lấy đi thì không biết người dân chúng tôi làm thế nào để đi ra biển làm ăn đây”, Ông Lê Xuân Từ, thôn Lộc Tại, xã Quảng lợi cho hay.
Trước thực trạng trên, ngày 17/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 39/TB-UBND về kết luận của ông Nguyễn Đức Quyền – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa sau khi đã đi kiểm tra và làm việc với Công ty Soto ngày 15/3/2017. Nội dung đã nêu rõ; tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư của Công ty SoTo là rất chậm so với kế hoạch đề ra. Yêu cầu Cty SoTo tích cực hơn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), rà soát lại DA cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện.
Một trong những con đường dân sinh của người dân đã bị bịt |
Ông Hoàng Công Đương - chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: "Dự án này kéo dài cũng đã lâu, nguyên nhân chính là do khâu GPMB chậm. Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Lợi còn khoảng 49 hộ chưa thỏa thuận được.”
Không chỉ dừng lại ở những phản ánh đơn thuần như đã nêu. Sau khi tìm hiểu sâu về DA tại xã Quảng Lợi (nơi chiếm phần lớn của DA), phóng viên đã tiếp nhận được hàng loạt thông tin do người dân phản ánh chủ đầu tư cũng chính quyền địa phương có nhiều bất cập.
Chính từ những việc làm trên đã khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc, không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và làm đơn khiếu kiện gửi các cấp, ngành chức năng suốt nhiều năm qua.
Đời sống & Pháp luật Onine sẽ tiếp tục thông tin...
Tác giả: Doãn Tài
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật