Cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh kiểm tra công tác PCCC tại cửa hàng xăng dầu. |
Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC được thực hiện thường xuyên. Việc chỉ đạo chữa cháy và khắc phục hậu quả các vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về PCCC kịp thời.
Từ năm 2015 đến 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, ban, ngành và tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định về PCCC, trong đó đáng chú ý là việc ban hành bộ tiêu chí về xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn về PCCC và Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2016 – 2020”.
Tuy nhiên, công tác PCCC tại Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: 2.774/7.322 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC có nguy cơ cháy nổ cao. Từ 1-1-2015 đến 31-3-2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 258 vụ cháy, trong đó có một số vụ cháy lớn làm bị thương 103 người, thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 20,8 tỷ đồng. 94,3% đội viên dân phòng chưa được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC dẫn đến khả năng ứng phó với các tình huống cháy nổ còn yếu, phần lớn trụ nước chữa cháy đã hư hỏng do không được bảo dưỡng thường xuyên.
Đặc biệt, tại các Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga và Lễ Môn, hệ thống hạ tầng về PCCC không đầy đủ, chủ đầu tư khu công nghiệp chưa phối hợp xây dựng phương án chữa cháy cho toàn khu công nghiệp dẫn đến nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại lớn tại các khu vực này luôn ở mức cao.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân và đề xuất những nội dung kiến nghị để nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trên địa bàn tỉnh.
TP Thanh Hóa là 1 trong số 9 đơn vị mà đoàn thanh tra của Bộ Công an trực tiếp thanh tra đã nhanh chóng triển khai những biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC, qua đó chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC dần đi vào nền nếp và được duy trì thường xuyên, liên tục, có sự kiểm tra, giám sát.
Thực hiện kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND thành phố về công tác PCCC. Năm 2018 và các năm tiếp theo thành phố sẽ ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng chi cho công tác thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh”.
Tiến hành xây dựng, cải tạo bến lấy nước tại sông, ao, hồ và sửa chữa trụ nước chữa cháy bị hư hỏng trên địa bàn thành phố; phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy phối hợp tại trụ sở UBND thành phố định kỳ năm 2017.
Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH theo đề án cho lực lượng dân phòng 1.502 người; tiến hành khảo sát thực tế, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu, thông tin vào phương án chữa cháy đối với từng khu phố tại 5 phường được thanh tra; trang bị các dụng cụ PCCC thô sơ và xử lý kịp thời các tồn tại về PCCC tại Công ty CP Đầu tư thương mại Thanh Hóa, Khách sạn Mường Thanh – Thanh Hóa...
Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành các quy định và chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ sở và nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC nhằm triển khai khắc phục kịp thời những tồn tại mà kết luận thanh tra chỉ ra. Công tác tuyên truyền pháp luật, các quy định về PCCC và các kỹ năng xử lý, thoát nạn được tăng cường. Ý thức PCCC trong nhân dân được nâng lên, nhiều nơi, người dân đã tự trang bị các bình chữa cháy, các thiết bị CNCH cho gia đình.
Công tác đầu tư xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang bị phương tiện, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh được quan tâm. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC; chỉ đạo chữa cháy và khắc phục hậu quả các vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh được chú trọng.
Cụ thể như ở Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa, tuy chưa có hướng dẫn cụ thể của Sở Tài chính về kinh phí thực hiện việc sửa chữa, duy tu các trụ nước chữa cháy thuộc các dự án mà công ty không làm chủ đầu tư, nhưng đã đề xuất UBND tỉnh giao cho công ty thực hiện tiến hành duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng trong suốt quá trình vận hành song song với hệ thống cấp nước ở các khu vực mà công ty không phải là chủ đầu tư.
Hay UBND TP Sầm Sơn, sau thanh tra, đã bố trí kinh phí sửa chữa, lắp đặt trụ nước chữa cháy, xây dựng, cải tạo bến lấy nước; trang bị phương tiện PCCC theo đề án cho lực lượng dân phòng trên địa bàn thành phố; đã tiến hành khảo sát thực tế, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu, thông tin và phương án của từng xã, phường; huấn luyện PCCC, CNCH cho 1.153/1.235 người trong lực lượng dân phòng, huấn luyện chuyên sâu cho 146/236 đội trưởng, đội phó...
Để khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác PCCC với mục tiêu kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCCC&CNCH trong thời gian tới, tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của tổ chức, cá nhân.
Tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra việc thực hiện công tác PCCC của đơn vị, cơ sở, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cháy cao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới ngăn chặn các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Xây dựng, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh”.
Cảnh sát PCCC tỉnh chủ động hoàn thiện các tình huống, phương án chữa cháy, CNCH bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở, địa bàn, bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
Tác giả: Phan Nga
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử