|
Tháng ngày ấy tôi đã luôn bên vợ và chứng kiến sự mệt mỏi của cô ấy. Vợ tôi phải đẻ mổ, sau sinh cô ấy đau rất nhiều. Cô ấy còn bị tắc sữa, lên cơn sốt nóng lạnh, bị áp xe ngực và phải chích. Rồi cô ấy mất sữa sau đợt điều trị kháng sinh, kết thúc luôn việc bú mẹ khi con còn rất nhỏ.
Không nói ra nhưng cô ấy dường như luôn đổ lỗi cho chồng vì tất cả những gì cô ấy phải gánh chịu trong lần sinh con thứ hai này. Cô ấy lại mắc thêm chứng cuồng ăn từ khi trầm cảm, và kết cục là tăng cân không kiểm soát dù không còn cho con bú.
Tôi biết cô ấy đã phải vật lộn thế nào để lấy lại vóc dáng, trong nhiều tháng liền. Nhưng vợ tôi đã làm rất tốt. Khi quay trở lại với công việc, cô ấy giảm cân đáng kể. Chỉ sau 1 năm đi làm, thân hình của cô ấy lại đẹp như xưa. Tâm trạng vợ tôi cũng tốt hơn, cô ấy bắt đầu biết vui và thôi không còn trách móc chồng. Nhưng vợ tôi đã không hoàn toàn là vợ tôi ngày trước - cô ấy không còn hứng thú "tình cảm" với chồng.
Tôi nghĩ vợ bị chứng lãnh cảm sau sinh, nhưng rồi suốt 7 năm trôi qua, tình hình không cải thiện. Số lần vợ chồng gần gũi nhau trong 7 năm không đủ số ngón trên một bàn tay. Tôi đã rất cố gắng kiên nhẫn chờ đợi, tôi đổ tại cho chuyện này phần nhiều ở việc các con còn nhỏ, vợ chồng chúng tôi đã nhiều tuổi hơn, dễ mệt mỏi hơn. Nhưng giờ các con đã lớn, chúng thậm chí đã có thể giúp bố mẹ việc nhà. Vợ chồng tôi có thời gian hẹn hò với nhau buổi tối. Tôi vẫn còn nhiều đam mê với vợ, nhưng dường như cô ấy không có chung cảm xúc đó với tôi. Cô ấy không muốn chuyện tình dục, không muốn cả hôn thậm chí đơn giản là nắm tay chồng.
Càng ngày tôi càng thấy sự thiếu vắng trong việc kết nối tình cảm vợ chồng, tôi không nghĩ mình sẽ sống cả đời này mà bỏ qua chuyện gối chăn. Không lẽ tôi phải bỏ vợ để tìm vợ khác sao? Tôi không muốn các con lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn, nhưng tôi đâu có vô lý khi mong chờ vợ sẽ ngủ với mình? Xin cho tôi lời khuyên nên xử lý thế nào trước việc tế nhị này.
Tác giả: D.T
Nguồn tin: Báo Dân trí