Trong tỉnh

Mặt bằng khu dân cư trở thành nơi tập kết chất thải

Trong khi những hộ dân trúng đấu giá đất tại mặt bằng khu dân cư 7165 huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chưa kịp xây nhà để ở thì đã trở thành nơi tập kết chất thải gây ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan đô thị.

Mặt bằng khu dân cư 7165 nằm trên địa bàn thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cho thấy hiện mặt bằng đã hoàn thiện xong phần hạ tầng cũng như thực hiện gần xong toàn bộ việc đấu giá đất (còn 07 lô chưa đấu giá). Tuy nhiên, trong khi các chủ lô đất chưa kịp triển khai xây nhà để ở thì nơi đây đã trở thành bãi tập kết chất thải, gây ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan đô thị.

Video clip về thực trạng tập kết chất thải và ô nhiễm môi trường tại mặt bằng khu dân cư 7165 Hoằng Hóa.

Tại mặt bằng, có tới vài trăm m3 chất thải rắn xây dựng với nhiều chủng loại như gạch, bê tông, đất, đá, rễ cây… được tập kết thành đống cao như núi. Vỉa hè ngay lối vào mặt bằng cũng bị xe ô tô chở chất thải cày nát, tạo thành lớp bụi dày đặc, mù mịt cuốn theo những phương tiện giao thông mỗi khi đi qua vị trí này. Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết, lượng chất thải nói trên là từ công trình xây dựng QL10 đi Hải Tiến tập kết về.

Bên cạnh đó, mặt bằng này còn trở thành nơi tập kết một lượng lớn rác thải sinh hoạt từ các hộ dân trên địa bàn với đủ loại, khiến ruồi nhặng tập trung về bâu đen và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Cách vị trí này chừng 50m là trường Mầm non Nobel và ngay gần đấy là công trường của một hộ dân đang xây nhà để ở. Mặt bằng 7165 cũng nằm cạnh nhà khách Huyện uỷ và khu dân cư đông đúc khiến ai nấy đều lo lắng về sự ô nhiễm môi trường tại khu vực này.

Hoằng Hóa là địa phương mà trong những năm gần đây kinh tế, xã hội có tốc độ phát triển tương đối cao. Theo lộ trình, huyện Hoằng Hóa sẽ trở thành thị xã vào năm 2030, do vậy bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội thì vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) cũng cần được quan tâm hơn nữa nhằm tạo sự phát triển bền vững là rất quan trọng.

Điểm a,b,c,d,đ khoản 3 Điều 168 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 01-01-2022 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã như sau:

- Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, BVMT; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về BVMT

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

- Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của UBND cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, BVMT; hướng dẫn cộng dân cư trên địa bàn đưa nội dung BVMT vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về BVMT theo thẩm quyền.

Tác giả: Đình Đông

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok